📞

Bỏ quên báu vật cổ?

09:31 | 06/10/2009
Là một trong số ít loại hình nghệ thuật truyền thống cổ xưa nhất, trải qua nhiều triều đại với các biến động lịch sử, Tuồng hoàn thiện và từng được coi là quốc kịch của Việt Nam vào thời Nguyễn. Giống như báu vật cổ, qua thời gian, Tuồng càng trở nên giá trị. Tuy nhiên, lưu giữ nghệ thuật Tuồng một cách thiết thực nhất là tạo nguồn sống mới, làm cho nó không chỉ mang ý nghĩa trong quá khứ mà còn là một sản phẩm văn hoá của thời đại, biểu hiện được tiếng nói, tâm hồn và tư tưởng của người Việt ngày nay.
Tuồng cổ đang bị lãng quên?

Phải khẳng định đây là việc làm rất khó khăn. Thực tế, cùng với việc phục hồi các vở tuồng truyền thống, 50 năm qua Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng được hàng trăm vở tuồng mới gồm đủ các thể tài, đề tài và đi trình diễn phục vụ khắp mọi tỉnh thành, vùng miền trong cả nước. Tiếc là Tuồng đang bị lãng quên, dù có được làm mới nhưng vẫn chưa thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

 

Sức ép của kinh tế thị trường đang khiến một số đoàn nghệ thuật truyền thống phải dựng những vở cải biên, khai thác các yếu tố đậm chất kiếm hiệp hoặc tâm lý xã hội để lôi kéo người xem. Thậm chí, một vài vở tuồng cổ còn bị các nhà đạo diễn và nghệ sĩ "cắt xén" cho nó đủ thời lượng một cách không thương tiếc. Người dân yêu Tuồng rất dễ dàng nhận thấy các làn điệu như hát nam, khách, tẩu, thán, oán, ngâm, vịnh... đã bị các nghệ sĩ giản lược bớt để chuyển sang nói lối trên nền nhạc. Chính giới nghệ sỹ cũng giảm đi lòng đam mê, tâm huyết thì hỏi sao khán giả có thể đến với loại hình nghệ thuật vốn đã kén người này?

 

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống nước ta chính là một thế mạnh. Nếu Trung Quốc nổi tiếng với Kinh kịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào với báu vật vô giá này. Việc bảo tồn Tuồng cổ trước hết là để giữ được cái nền, cái bản lề và giá trị nguyên bản của nghệ thuật, trên cơ sở đó hướng đến những sáng tạo mới. Nếu đã coi trọng Tuồng cổ là di sản quý thì có nghĩa thái độ ứng xử với nó cần phải "đặc biệt" hơn so với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Điều này thể hiện ở sự ưu tiên, sự quan tâm tích cực tới chiến lược phát triển, hoạt động lưu giữ, bảo tồn và quảng bá rộng rãi hơn nữa.

 

Phan Hải Hà