📞

Bộ sách Văn học Hàn Quốc lần đầu ra mắt tại Việt Nam

21:05 | 12/08/2017
Sự kiện ra mắt hai bộ sách về văn học Hàn Quốc đã mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Chiều 12/8, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện ra mắt hai bộ sách: Văn học Hàn Quốc và Văn học Hàn Quốc trong phối cảnh Đông Á. 

Sự kiện ra mắt hai bộ sách có sự tham dự của các vị lãnh đạo, các vị khách từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp HCM … Tham gia sự kiện có các nhà văn, nhà phê bình, dịch giả, nhà báo, các giảng viên, sinh viên và bạn đọc quan tâm, yêu mến văn học, văn hóa Hàn Quốc, văn học, văn hóa Đông Á.

Với vai trò chủ biên, PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền đã tập hợp đội ngũ 26 tác giả, dịch giả bao gồm những nhà nghiên cứu văn học châu Á có uy tín, những người dịch văn học Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có kinh nghiệm ở Việt Nam (Hà Nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh, Đà Lạt), Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ thực hiện hai bộ sách trong 5 năm (2012-2017).

Các tác giả tặng sách khách mời đại diện.

Bộ sách Văn học Hàn Quốc giới thiệu những thành tựu quan trọng, làm nổi bật những đặc điểm của văn học Hàn Quốc qua các tác giả, tác phẩm tiêu biểu từ khởi thủy đến đương đại. Bộ sách thứ hai bao gồm 6 tuyển tập giới thiệu Văn học Hàn Quốc trong phối cảnh Đông Á theo các đề tài, thể loại, loại hình tác giả độc đáo nhằm giới thiệu văn học 4 nước Trung Quốc - Hàn Quốc - Việt Nam - Nhật Bản. Thông qua việc so sánh, tương chiếu, bộ sách mong muốn soi sáng những đặc điểm chung khu vực đồng thời những đặc điểm riêng của văn học từng nước, trong đó, có sự độc đáo của văn học Hàn Quốc.

Phát biểu trong buổi ra mắt, GS. TS Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội Hàn Quốc học Việt Nam nhận xét về bộ sách: "Trước đây văn học Hàn Quốc cũng đã được giới thiệu ở Việt Nam, tuy nhiên đó chỉ là một cuốn sách hoặc một tập thơ, một tập tiểu thuyết… Lần này chúng ta có một bộ sách với tầm cỡ lớn, cho nên đây là một tin vui đối với ngành Hàn Quốc học nói riêng và cho những người yêu văn hoá Hàn Quốc nói chung. Chúng tôi thấy rất vui mừng về bộ tài sản quý này. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng so với phim ảnh, văn học Hàn Quốc cũng mới chỉ đến sau. Đây mới chỉ là những cố gắng bước đầu trong việc khám phá nền văn học đồ sộ của Hàn Quốc".

Bà Kim Hye Jin - Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chia sẻ về hai bộ sách: "Hai bộ sách này có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Thông qua những câu chuyện văn học dân gian của hai nước có thể thấy rất nhiều nét tương đồng.

Năm nay là năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và trong thời gian qua đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Tôi hy vọng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy nhiều hơn nữa. Và, khi nhắc đến Hàn Quốc ở Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở phim ảnh mà còn cả văn học Hàn Quốc. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu nhiều hơn nữa tại Hàn Quốc".

Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi ra mắt: "Những bộ sách của Hàn Quốc xuất bản tại Việt Nam đã cho độc giả Việt Nam thấy được những nét văn hoá khác với mình, những nét văn hoá ngoài biên giới. Thông qua cuốn sách, chúng ta có thể thấy các bạn Hàn Quốc họ yêu nước của mình như thế nào. Chúng ta yêu văn hoá, văn học của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… hay văn hoá của bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới chỉ để giúp chúng ta yêu văn hoá nước mình một cách tích cực hơn mà thôi".

Hai bộ sách cũng như sự kiện ra mắt sách này góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xúc tiến quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc.

(theo Bích Đào - Nguyễn Dung/VOV.VN)