Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về công tác ngoại giao vaccine. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, ngoại giao vaccine là một “chiến dịch” chưa có tiền lệ ở Việt Nam, được triển khai thành công trong bối cảnh hết sức đặc thù và vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 gây ra. Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu bật năm bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai thành công chiến dịch ngoại giao vaccine, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thứ nhất, luôn bám sát và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu và đầy tính nhân văn của dân tộc, chúng ta luôn đề cao chân thành, tin cậy, đoàn kết quốc tế, chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau trong tất cả các mối quan hệ đối ngoại.
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam dù nguồn lực còn hạn chế nhưng đã cố gắng hết sức mình hỗ trợ nhiều quốc gia về khẩu trang, vật phẩm y tế. Khi chúng ta gặp khó khăn, bạn bè quốc tế đã tích cực, kịp thời hỗ trợ chúng ta về vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế. Trong đó, số lượng vaccine các đối tác quốc tế hỗ trợ chiếm khoảng 50% trong tổng số 265 triệu liều vaccine Việt Nam nhận được.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc vai trò tiên phong của đối ngoại và ngoại giao trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước. Chúng ta đã phát huy hiệu quả quan hệ đối ngoại tốt đẹp và rộng mở, thế và lực mới của đất nước trong công tác ngoại giao vaccine. Ngành Ngoại giao đã chủ động đưa nội dung vận động vaccine vào các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phát huy tối đa mạng lưới Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác, tổng hợp kinh nghiệm các nước về vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội...
Thứ ba, kiên định nguyên tắc, mục tiêu, hành động quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nguyên tắc của chúng ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trước hết và trên hết, mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sách lược, ứng xử của chúng ta trong các mối quan hệ đối ngoại rất linh hoạt, cơ động ở từng thời điểm, từng đối tác, từng cơ chế hợp tác, miễn sao có được vaccine sớm nhất có thể, bởi vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất.
Thứ tư, bài học về tổ chức thực hiện là chỉ đạo quyết liệt, thông suốt, bộ máy tinh gọn, linh hoạt, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong triển khai ngoại giao vaccine, ngành Ngoại giao luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong hệ thống chính trị. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine là rất kịp thời, đúng đắn. Tổ Công tác với quy chế, quy trình minh bạch, bài bản là cơ chế hiệu quả trong điều phối các bộ, ngành, địa phương trong vận động, tiếp nhận vaccine.
Bài học thứ năm rất quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, mọi việc thành công bởi chữ đồng. Trong chiến dịch ngoại giao vaccine, chúng ta nêu cao đồng thuận, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị; triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Quốc hội và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý và điều hành quyết liệt, hiệu quả của Nhà nước. Nhờ đó, đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và cả dân tộc, trong đó có đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong thực hiện thắng lợi ngoại giao vaccine và phòng chống dịch Covid-19.
Phát huy những bài học thành công của ngoại giao vaccine, ngành Ngoại giao cùng các ngành, các cấp đang đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư để đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội đất nước và bảo vệ Tổ quốc.