Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, ngày 20/10/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Bằng chứng cho quan hệ hữu nghị vĩ đại
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sẽ thăm chính thức Việt Nam, đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Lào từ 6-7/1 tới. Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara đã chia sẻ cùng báo chí về tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm cũng như hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của đồng chí Sonexay Siphandone trên cương vị Thủ tướng Lào và Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để thăm chính thức. Đầu năm 2023, khi ông Sonexay mới nhậm chức Thủ tướng Lào, ông cũng đã đón tiếp đồng chí Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Lào sau khi đất nước có Thủ tướng mới.
Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara. (Nguồn: TTXVN) |
"Đó là những bằng chứng rõ nét cho thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện ngày càng sâu sắc giữa hai nước Lào và Việt Nam anh em luôn gắn bó keo sơn và luôn dành ưu tiên cao nhất cho nhau", Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bên cạnh các cuộc hội kiến với nhà các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, Thủ tướng Sonexay cũng sẽ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; Tham dự hội nghị Hợp tác Đầu tư Lào - Việt Nam..., điều này không chỉ góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác kinh tế giữa hai nước, giúp cho quan hệ song phương ngày càng sâu sắc và thực chất, tương xứng với sự hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng giữa hai bên.
"Với tư cách Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, tôi đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Sonexay Siphandone", Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào nói.
Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho rằng: "Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, do đó việc ứng dụng công nghệ mới vào đời sống có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước. Trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, vốn là lĩnh vực quan trọng ít có sự chia sẻ, nhưng các đồng chí Việt Nam đã giúp đỡ Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào hết sức chân thành".
Theo Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, Việt Nam chọn Lào là quốc gia đầu tiên để ký Thỏa thuận Đối tác hợp tác kỹ thuật số. Sau khi hai nước ký thỏa thuận, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã giúp Lào phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như xây dựng Trung tâm An ninh mạng và giúp xây dựng các nền tảng khác trong lĩnh vực giáo dục... đặc biệt là nền tảng giáo dục từ xa để đưa kiến thức giáo dục qua đường internet đến với nhân dân ở các khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn của Lào...
"Các dự án mà tôi đã đề cập ở trên không chỉ thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, chân thành và gắn bó keo sơn trong quan hệ giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng, mà còn góp phần giúp Lào thực hiện thành công việc phát triển lĩnh vực truyền thông và chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước trong tương lai", Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào nhận định.
Gìn giữ và phát huy di sản
Để duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho rằng điều quan trọng nhất mà hai nước cần làm trong tương lai đó là tiếp tục giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ, để họ có thể hiểu rõ về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, từ đó tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ, vốn đã trở thành di sản của hai dân tộc, ngày càng đơm hoa kết trái.
Theo Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, bên cạnh việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ của hai nước, hai bên cũng cần cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện tại quan hệ chính trị và an ninh - quốc phòng của hai nước đang hết sức tốt đẹp, tuy nhiên hợp tác trong phát triển kinh tế lại chưa tương xứng với hợp tác chính trị và an ninh - quốc phòng.
"Do đó, chúng ta cần tuyên truyền cho các doanh nghiệp, các doanh nhân hiểu để cùng giúp đỡ nhau đầu tư, phát triển kinh tế, để đưa hợp tác kinh tế trở thành một trong những trụ cột vững chắc cùng với các trụ cột chính trị, an ninh - quốc phòng. Đây là điều mà Hội Hữu nghị Lào – Việt và Hội Hữu nghị Việt – Lào đã thảo luận và trong năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để khuyến khích doanh nghiệp Lào đầu tư vào Việt Nam và ngược lại", Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào nhấn mạnh.
Ngoài tăng cường hợp tác kinh tế, một trong những lĩnh vực quan trọng khác mà Việt Nam và Lào cần hợp tác là lĩnh vực văn hóa – xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, do đó, theo Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, nếu Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, tăng số lượng sinh viên Lào đi học tại Việt Nam, sẽ giúp cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai luôn bền chặt, theo hướng ngày càng hiệu quả và trường tồn với thời gian.