Nhỏ Bình thường Lớn

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày 17/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Báo TG&VN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ kỷ niệm.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Ngày 17/01/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2023

------

Kính thưa Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và các đồng chí thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phú Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng toàn thể Quý vị đại biểu trong nước và quốc tế,

Hôm nay, trong không khí cả nước phấn khởi đón chào Xuân Quý Mão 2023 sắp đến và hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.

Thay mặt Bộ Ngoại giao, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi đến đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Thị Bình và các đồng chí thành viên đoàn đàm phán và toàn thể Quý vị đại biểu trong nước cùng bạn bè quốc tế lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất.

Kính thưa đồng chí Thường trực Ban Bí thư và toàn thể Quý vị đại biểu,

Độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao, tạo nên truyền thống và bản sắc riêng của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải, chính nghĩa và công lý: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.

Truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, hình thành nền ngoại giao cách mạng Việt Nam gắn liền với tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển phồn vinh.

Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý. Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên thế giới. Phong trào này đã trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người. Vì vậy, chiến thắng của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là chiến thắng của nhân dân thế giới trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, là niềm cổ vũ lớn lao cho các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chiến thắng của chính nghĩa, đạo lý và công lý.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

(Ảnh: Tuấn Anh)

Kính thưa đồng chí Thường trực Ban Bí thư và toàn thể Quý vị đại biểu,

Thắng lợi tại Hội nghị Paris bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, truyền thống yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; đời đời biết ơn sự hy sinh xương máu vô cùng to lớn của biết bao cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước, sự ủng hộ và hướng về Tổ quốc của kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris; trong đó, một số đồng chí đang tham dự Lễ kỷ niệm hôm nay. Hội nghị Paris đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, những con người đã trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao, được bạn bè quốc tế quý mến như các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta tri ân và ghi nhớ sự cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao và thực thi Hiệp định Paris.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris không tách rời tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ chí tình về vật chất và tinh thần của nhân dân và bè bạn khắp năm châu. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã sát cánh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kính thưa đồng chí Thường trực Ban Bí thư và toàn thể Quý vị đại biểu,

Nhìn lại cuộc đấu tranh ngoại giao đưa đến ký kết Hiệp định Paris là ôn lại một chặng đường hào hùng trong lịch sử dân tộc, lan tỏa và giáo dục truyền thống vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam độc đáo và đặc sắc. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nói riêng. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi, đã giúp Việt Nam luôn giữ vững thế chủ động tiến công, kiên định mục tiêu và nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược đàm phán, nhờ đó luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của giương cao ngọn cờ chính nghĩa: hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; là sức mạnh của đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn của Đảng; là sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hoà bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Sức mạnh dân tộc kết hợp với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Sách lược của chúng ta là “vừa đánh, vừa đàm”, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược.

Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”; về biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; về tạo dựng và nắm bắt thời cơ để chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán; về kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị-quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền Bắc và miền Nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai...

Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ cho đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, rèn luyện và tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ xuất sắc tham gia mặt trận ngoại giao, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

Ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
(Ảnh: Tuấn Anh)

Kính thưa đồng chí Thường trực Ban Bí thư và toàn thể Quý vị đại biểu,

Trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc cùng với những bài học lịch sử của Hội nghị Paris, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; từng bước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, có chính trị-xã hội ổn định, có nền kinh tế phát triển năng động, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Những thành tựu to lớn này càng minh chứng cho ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris và giá trị của chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Thế giới đang trải qua những biến động lớn và rất phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng chung, tha thiết của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và tinh thần Hội nghị Paris, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nhân dịp Xuân Quý Mão sắp đến, tôi xin thay mặt Bộ Ngoại giao kính chúc đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Bình cùng các đồng chí thành viên đoàn đàm phán và toàn thể quý vị đại biểu khách quý, bạn bè quốc tế một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công trên cương vị trọng trách của mình.

Xin trân trọng cảm ơn.

Đôi điều suy ngẫm về Hiệp định Paris

Đôi điều suy ngẫm về Hiệp định Paris

Thời giờ thấm thoát thoi đưa, thế mà 50 năm đã qua kể từ ngày Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa ...

[Trực tiếp] Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

[Trực tiếp] Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt ...

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ...

Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp

Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp

Hiệp định Paris đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử Việt Nam, đồng thời là sự kiện quan trọng với thành phố Verrières-le-Buisson, ...

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân ...