📞

“Bộ tứ” mới nổi BRIC: Chỉ có niềm tin đã đủ?

15:56 | 19/06/2009
Lãnh đạo các nước thuộc nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Ekaterinburg của Nga ngày 16/6. Cuộc gặp của nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới được xem là dấu hiệu của sự nổi lên của một trật tự thế giới mới.
Lãnh đạo các nước thuộc nhóm BRIC đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Yekaterinburg (Nga) ngày 16/6/2009.

BRIC là những nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng. Tuần trước, Brazil, Nga và Trung Quốc tuyên bố họ sẽ biến 70 tỉ USD dự trữ thành quỹ đa đồng tiền như là bước đi đầu tiên nhằm tạo ra một đồng tiền thế giới mới như mong muốn của Thủ tướng Nga Putin.Theo giới phân tích, sự gia tăng sức mạnh kinh tế của BRIC những năm gần đây khiến các nước này thấy cần phải định vị lại vị thế của họ. Lý do thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay càng khiến 4 nước nhận thấy rõ về tính cấp thiết của việc lập ra một trật tự kinh tế - chính trị quốc tế mới. Ngoài ra, các mối quan hệ song phương đang được củng cố giữa 4 nước và sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị cũng đã cải thiện cơ cấu hợp tác, đặc biệt các mối quan hệ thương mại ngày một mật thiết giữa 4 nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác trong nhóm BRIC. Tuy nhiên, nếu xét về thực chất, BRIC có rất ít điểm chung, ngoại trừ một niềm tin là họ xứng đáng có ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Một trong những lý do quan trọng nhất cho quan điểm BRIC chưa có “vai vế” đối với nền kinh tế thế giới. Ngoại trừ Trung Quốc (đứng thứ 4 thế giới với GDP 3.200 tỷ USD), phần còn lại chưa nằm trong nhóm cường quốc kinh tế. Với GDP 1.300 tỷ USD (2008), Brazil là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, nhưng cũng chỉ bằng phân nửa so với Pháp. Còn Nga, Ấn Độ đứng cạnh nhau ở các vị trí 11 và 12, mỗi nước có GDP khoảng 1.200 tỷ USD. Bên cạnh đó, mặc dù lượng dự trữ của BRIC rất lớn (chiếm 1/3 dự trữ ngoại tệ thế giới), nhưng mỗi nước lại đi theo chiến lược khác nhau. Ấn Độ coi dự trữ theo kiểu truyền thống là một bảo đảm cho tương lai. Brazil sẵn sàng hơn trong việc sử dụng dự trữ vì mục đích quốc nội. Còn Nga, với tình trạng từng vỡ nợ một thập kỷ trước, khoản dự trữ lớn hiện nay (chiếm 1/3 GDP) lại được coi như “niềm tự hào dân tộc”. Trong khi đó, khoản dự trữ khổng lồ của Trung Quốc lại mang tính hai mặt...Có nhà phân tích cho rằng hiện vị trí siêu cường của Mỹ vẫn chưa bị đe dọa, vì muốn là cường quốc, ngoài tiền còn phải có nhiều thứ khác như sức mạnh quân sự và sức mạnh “mềm”. Những chính sách của Mỹ thời gian qua đã khiến ảnh hưởng của Mỹ giảm và ảnh hưởng của “những nước còn lại” gia tăng. Tuy nhiên, “phần còn lại” này không chỉ BRIC mà còn có các nhân tố phi quốc gia như các tổ chức xuyên quốc gia và nhân tố siêu quốc gia như EU…Hiện cũng chưa có sự thống nhất trong BRIC về việc tạo ra khối đồng tiền chung của nhóm, dù Nga và Trung Quốc đang cố gắng vận động thiết lập một đồng tiền mới trên toàn cầu để thay thế USD. Do đó, sự hợp tác giữa 4 nước còn phải trải qua một chặng đường rất dài. Xét tình hình hiện nay, sự hợp tác giữa 4 nước vẫn thiên về ý nghĩa tượng trưng và không nhiều nhà phân tích hy vọng BRIC có thể đưa ra được những giải pháp cho các vấn đề cụ thể, dù họ có thể đạt được một tuyên bố hợp tác trong những vấn đề mang tính nguyên tắc. Kim Đình