📞

Bốn nước Ả rập khẳng định duy trì trừng phạt Qatar

09:42 | 12/07/2017
Trong một tuyên bố chung ngày 11/7, bốn quốc gia Ả rập gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho rằng, thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar là không đủ, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Qatar vẫn sẽ được duy trì. 

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia dẫn tuyên bố chung khẳng định "bước đi này là không đủ", đồng thời cho biết thêm bốn quốc gia Ả rập sẽ "giám sát chặt chẽ sự nghiêm túc của giới chức Qatar trong việc chống lại tất cả các hình thức viện trợ, hỗ trợ và chứa chấp chủ nghĩa khủng bố". 

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry. (Nguồn: Alchetron)

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết các biện pháp của Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain chống lại Qatar được đưa ra sau khi xác nhận sự can thiệp của Doha vào công việc nội bộ các nước trong khu vực và tài trợ khủng bố. Ông Shoukry đã đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu của mình tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng các Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tổ chức tại thủ đô Abidjan của Cote d'Ivoire.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Ai Cập nói: "Chúng tôi rất tiếc về những biện pháp chống lại Qatar. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khẳng định rằng các quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi chắc chắn về âm mưu (của Doha) trong việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác, phá hoại an ninh trong cộng đồng và gieo rắc sự hỗn loạn và tài trợ không ngừng cho các tổ chức khủng bố và cực đoan". 

Trước đó, ngày 5/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố.

(theo Reuters, SPA)