Theo đó, danh sách được Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đưa ra gồm có 59 người, trong đó có thủ lĩnh tinh thần của phong trào Anh em Hồi giáo Yousef al-Qaradawi và một số người đang làm việc trong các tổ chức từ thiện của Qatar.
Xét theo quốc tịch, danh sách này gồm có có 18 người Qatar, 5 người Libya, 26 người Ai Cập, 3 người Kuwait, 2 người Jordan, 2 người Bahrain, 1 người UAE, 1 người Saudi Arabia và 1 người Yemen.
Động thái trên được các nước Ả rập đưa ra chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo Qatar tuyên bố sẽ “không đầu hàng” và phản đối bất kỳ sự can dự nào vào chính sách ngoại giao của nước này. Hiện Qatar chưa bình luận về động thái trên của 4 nước Ả rập, nhưng khẳng định nước này tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố, trong đó có nhổ tận gốc các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman al-Thani phản đối những cáo buộc nhắm vào Qatar. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, ngày 5/6, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực. Một số nước khác như Yemen, chính phủ miền Đông Libya, Maldives cũng có động thái tương tự, trong khi Jordan quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar.
Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với Qatar, trong đó có việc đóng cửa đường biên giới trên bộ duy nhất nối Saudi Arabia với quốc gia giàu tài nguyên khí đốt này.
Qatar đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của các nước trên. Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman al-Thani cảnh báo cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay đang đe dọa sự ổn định của toàn khu vực, đồng thời cho biết Doha ưu tiên giải pháp ngoại giao và nhấn mạnh rằng giải pháp quân sự sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề.