📞

Book Tour: Trò chuyện cùng Gen Z

23:00 | 23/10/2024
Kinh tế Việt Nam và thế giới đang đi qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn với nhiều chuyển biến có tính lịch sử đổi đời. Có thể nói, thế giới đang đi qua một khúc quanh lịch sử có khả năng xác lập lại một trật tự mới.

Điều này khiến giới trẻ càng lo lắng về công việc và cuộc sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt. Khác với thế hệ trước, Gen Z phải đối mặt với những thách thức về xu hướng công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Trong thời điểm mà mọi thứ thay đổi theo từng ngày, các bạn trẻ không còn chắc chắn việc học và làm theo một ngành nghề nhất định sẽ đảm bảo một tương lai ổn định.

Trước thực trạng đó, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương băn khoăn: AI đang dần khiến những khái niệm truyền thống về IQ (chỉ số thông minh) trở nên lỗi thời, chẳng hạn như sự hỗ trợ của các công cụ như ChatGPT? Thay vào đó, ông khẳng định giá trị của một cá nhân hiện nay phụ thuộc vào EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) - khả năng hiểu và quan tâm tới người khác, cũng như tư duy sáng tạo, biết cách đặt câu hỏi đúng để nhận được thông tin cần thiết và gợi mở vấn đề.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Trò chuyện cùng Gen Z” của mình, tác giả Trần Sĩ Chương cùng TIMES (đơn vị xuất bản cuốn sách này) đã có chuỗi hành trình Book Tour nhằm giao lưu, giới thiệu về chủ đề cùng tên để bàn về các vấn đề mang tính thời đại với giới trẻ tại các điểm trường và doanh nghiệp thuộc ba miền Bắc - Trung - Nam.

Chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày của tháng 10, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã đem “đứa con tinh thần” của mình đặt chân đến Hà Nội (Học viện Ngoại giao), Thừa Thiên Huế (Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế, Đại học Huế, Đại học Kinh tế Huế), TP. HCM (Đại học Văn Lang, Đại học Mở, Đại học Kinh tế TPHCM), Đồng Nai (Đại học Miền Tây)… cùng rất nhiều cuộc trò chuyện với các đơn vị khác.

Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với các em sinh viên tại TP. HCM chiều 5/10.

Đó cũng là một trong những chủ đề “Trò chuyện cùng gen Z” cùng hành trình Book Tour nêu ra. Nhắc đến Gen Z, người ta sử dụng khái niệm “bông tuyết” với ý chỉ sự mong manh, dễ bị tổn thương trước các thách thức của cuộc sống. Hiểu được điều đó, tác giả Trần Sĩ Chương thực hiện cuốn sách “Trò chuyện cùng Gen Z” với mong muốn được ngồi lại, trò chuyện cùng thế hệ này, để đúc kết lại những vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp, chia sẻ và bài học kinh nghiệm, để các bạn trẻ có thể coi đó là cẩm nang trong cuộc sống và hành trình phía trước.

Cuốn sách “Trò chuyện cùng gen Z”.

Từ hơn 200 cuộc trò chuyện của ông Trần Sĩ Chương với các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, người trẻ khởi nghiệp và thậm chí là chủ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Châu đã ghi chép, biên soạn lại và tập hợp thành cuốn sách này.

Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với các em sinh viên tại Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai) chiều 8/10.
Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với các em sinh viên tại Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai) chiều 8/10.

Những vấn đề được ông Trần Sĩ Chương đưa ra chia sẻ thường xoay quanh chuyện khởi nghiệp - văn hóa - kinh tế - xã hội - thời sự. Một số chia sẻ của ông đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình làm việc, khởi nghiệp của tôi và nhiều bạn trẻ khác. Ví dụ như: Khởi nghiệp đầu tiên chính là phải tìm ra chính mình; Chuyên nghiệp chính là chỉn chu; Doanh nhân, doanh nghiệp hãy kiên trì thực hiện “chính nghĩa trong kinh doanh”; Một doanh nghiệp được định giá là có giá trị, có “nết” khi và chỉ khi doanh nghiệp đó có tính kế thừa…

Tác giả Trần Sĩ Chương cùng các diễn giả - dịch giả Tống Liên Anh và Vũ Trọng Đại giao lưu với sinh viên Học viện Ngoại giao (chiều 15/10).

Nội dung cuốn sách “Trò chuyện cùng Gen Z” cũng như hành trình Book Tour của ông đi sâu vào những lời khuyên, bài học, bài thuyết trình của tác giả Trần Sĩ Chương dành cho giới trẻ - những người trong độ tuổi 16-30 và cả những người đang khởi nghiệp.

Nên học gì, chọn nghề gì cho tương lai? Có nên khởi nghiệp hay không? Khởi nghiệp thì nên làm gì, làm như thế nào? Cần tận dụng khoa học công nghệ ra sao?... Đó là những câu hỏi mọi thế hệ đều trải qua, đặc biệt là trong quãng đời tuổi trẻ của mình. Nhìn lại những năm tháng ấy cùng trải nghiệm của mình, tác giả Trần Sĩ Chương đã rút ra "những sợi dây giá trị xuyên suốt, bất biến", với mong muốn giúp các bạn trẻ tiết kiệm thời gian trên hành trình lập nghiệp.

Tại các điểm Book Tour, tác giả đều cho rằng cần tập trung vào việc xây dựng nội lực cho chính mình. Nội lực là sức mạnh nội tâm cho mỗi người sự tự tin để quyết định hướng đi trước những bước ngoặt cuộc đời. Khi có nội lực rồi, cần có những giá trị nền tảng cụ thể để có thể phát triển cá nhân bền vững và điều hành công việc hiệu quả. Và khi đất nước ta đã hội nhập với thế giới, mỗi người cần phải có một thế giới quan cơ bản để hiểu được chuyện gì đang xảy ra ở đâu, với ai và tại sao.

Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM sáng 21/10.

Giáo sư danh dự Trương Nguyện Thành nhận định: “Qua chia sẻ những trải nghiệm trên hành trình cuộc sống của mình, một hành trình với nhiều ngã rẽ thật bất ngờ và gây nhiều trăn trở, tác giả đã mang lại nhiều giá trị và bài học đời cho thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z”.

Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với sinh viên sáng 22/10 tại trường Đại học Văn Lang.
Tác giả Trần Sĩ Chương giao lưu với sinh viên sáng 22/10 tại trường Đại học Văn Lang.

Chia sẻ về hành trình viết cuốn sách “Trò chuyện cùng Gen Z”, tác giả Trần Sĩ Chương cho biết: “Mục tiêu của tôi khi viết cuốn sách này là khơi gợi để các bạn có thể tự đặt câu hỏi gần đúng nhất cho chính mình trước mỗi tình huống cụ thể. Có câu hỏi đúng tất sẽ có câu trả lời thích hợp”.

Bởi thế, trong hành trình Book Tour “Trò chuyện cùng Gen Z” của mình đến các địa điểm ở Bắc - Trung - Nam, xuất hiện trong sự chào đón nồng nhiệt của các bạn trẻ, tác giả Trần Sĩ Chương luôn có những chia sẻ cởi mở, thân tình, để các bạn trẻ tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời thích hợp.

Ông Trần Sĩ Chương là Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược Phát triển doanh nghiệp. Hiện ông là lãnh đạo (Sr. Partner) đại diện công ty 3Horizons (Anh Quốc) tư vấn các vấn đề tái cấu trúc chiến lược doanh nghiệp và hệ thống kế thừa tại khu vực châu Á.

Ông cũng tham gia một số chương trình hỗ trợ các công ty trẻ khởi nghiệp và là cố vấn cho Đại học Huế (Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, và Đại học Nghệ thuật), và Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Nha Trang.