ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, trong thời đại số, cần giáo dục trẻ biết cách tự lập, chủ động, sáng tạo. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
Nhiều cơ hội trong thời đại AI
“Làm chủ tương lai” là một mơ ước mà hầu như ai trong chúng ta cũng đều mong muốn, nhưng để thực hiện được nó cũng không phải dễ dàng. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, những thành tựu đột phá của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và giáo dục.
Điều này cho thấy, nhiều thách thức và cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, đặc biệt, mở ra cơ hội tiếp cận thế giới cho thế hệ Gen Z rất lớn, nhất là tiếp cận các nền giáo dục khác nhau. Thế hệ trẻ phải tận dụng những cơ hội mà thời đại AI mang lại, từ đó biết cách học tập và trau dồi, trải nghiệm và sáng tạo, am hiểu về nhu cầu của thời cuộc, đáp ứng năng lực chuyên môn và đạo đức làm việc, trở thành một công dân toàn cầu.
Thời đại của việc sử dụng công nghệ để chia sẻ những lớp học và kinh nghiệm, cũng như kiến thức làm giàu, dạy cách làm người, những bài học từ thất bại… được lan truyền rầm rộ. Vì thế, người trẻ nên tận dụng những cơ hội này để tiếp thu kiến thức cần học, làm hành trang sống, định hình tương lai của mình.
Học tập là một phương diện rất cần thiết để giúp cho mỗi chúng ta, đặc biệt là các em học sinh, phát triển bản thân. Vì theo như mục tiêu học tập của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) thì: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định bản thân.
Học nhồi nhét, chạy đua theo thành tích, cạnh tranh hơn thua trong học tập, áp lực đồng trang lứa, áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, là những vấn đề trong giáo dục khó tránh khỏi. Vì thế, nhiều em học sinh đã đánh mất bản thân mình, không tìm ra ý nghĩa của việc học.
Việc học cần đảm bảo cho các em thời gian để suy tư và nghiền ngẫm, cùng với đó là thời gian vận dụng thực hành trong đời sống. Giáo dục không chỉ lý thuyết mà còn phải thực hành, ngoài học ở trường các em cũng cần có thời gian dành cho sự giải trí của tâm hồn, kết nối gia đình, học năng khiếu, chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Giáo án dạy học không chỉ cung cấp kiến thức qua sách vở mà còn cung cấp kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị, khơi gợi tính sáng tạo, động não, tư duy phản biện.
Giáo dục cần giúp khám phá thế mạnh và sự khác biệt nơi mỗi cá nhân. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
Dạy trẻ trở thành công dân số
Giáo dục cần giúp khám phá thế mạnh và sự khác biệt nơi mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được sống và học tập theo đam mê thế mạnh của mình, tăng cường giáo dục tính chủ động và tự lập, trải nghiệm cuộc sống xã hội, nghề nghiệp được nhà trường tổ chức. Ngoài ra, cần thiết kế hoạt động kết nối thiên nhiên, giáo dục cách yêu môi trường; hoạt động kết nối con người thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu với những người thành công, thất bại hay nghèo khổ, giáo dục trẻ cách yêu mọi người.
Trong thời đại số, nhiều bạn trẻ rất nhanh nhẹn với việc sử dụng công nghệ, truy cập, nhắn tin, thao tác rất nhanh nhẹn. Một người trẻ yêu nước cũng cần ý thức và trau dồi học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Đây là việc cực kỳ cần thiết. Nói tiếng Việt tốt là một cách bảo vệ đất nước, truyền thông tốt đẹp.
Cùng với đó, trong thời đại số, cần dạy trẻ biết cách tự lập, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Thay vì dạy nhồi nhét thì chúng ta tạo động lực và khơi gợi cho trẻ về ý nghĩa của việc học và đánh thức những đam mê của trẻ thông qua những hoạt động trải nghiệm và sáng tạo trong các môn học tại lớp cũng như các hoạt động ngoài nhà trường.
Dạy trẻ trở thành công dân số, biết cách truy cập, tìm kiếm tài liệu và lưu trữ thông tin, biết về văn hoá số, hướng dẫn kỹ năng học tập online cho trẻ. Đây là công cụ học tập của thời đại, giúp các em tiếp cận nguồn tri thức của nhân loại một cách nhanh nhất và hiệu quả, tiết kiệm.
Dạy trẻ về lòng khiêm tốn và đạo đức, tránh việc chỉ dạy cách làm giàu, làm chủ tương lai, làm lãnh đạo, mà quên rằng các em cũng rất cần được hướng dẫn về lòng khiêm tốn và đạo đức. Trẻ có lòng khiêm tốn sẽ biết giới hạn và khả năng của bản thân mình, từ đó hạ mình để được học tập từ người khác nhiều hơn, có một đạo đức lối sống tốt đẹp thì trẻ sẽ được nhiều người yêu mến và tôn trọng.
Dạy trẻ về các kỹ năng sống và giá trị sống, để giúp trẻ thích nghi. Cần dạy những kỹ năng về tư duy phản biện, giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, xây dựng mục tiêu, tạo động lực, quản lý tài chính chi tiêu các giá trị sống như hoà bình, yêu thương, chia sẻ.
Dạy trẻ ngôn ngữ để kết nối với toàn cầu, xây dựng các mối quan hệ đa quốc gia. Đây là phương tiện hữu hiệu để trẻ giao lưu học hỏi, am hiểu văn hoá và con người ở nhiều nước, từ đó giúp trẻ có góc nhìn đa chiều và nâng tầm tư duy.
Ngoài ra, đều mà tôi nghĩ rất quan trọng là dạy trẻ cách yêu ngôi nhà của mình. Công nghệ thông tin và AI phát triển, vô tình tạo ra những khoảng cách trong gia đình, sự không hiểu nhau, những hoạt động chung trong gia đình ngày càng ít đi. Vì thế, tình cảm cùng sự yêu thương và thấu hiểu ngày càng giảm.
Trường học cũng đã và đang áp dụng các phương pháp dạy học khác nhau trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong đó, những phương pháp như tư duy kiến tạo, phản biện, giáo dục cảm xúc vẫn còn hạn chế, chưa thật sự phổ biến trong các môn học. Cần thêm nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm, thiết lập các câu lạc bộ về các kỹ năng này từ khi các em còn ở bậc Tiểu học, THCS, THPT để các em có cơ hội rèn luyện và trau dồi.
Có thể nói, giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn của gia đình và toàn xã hội. Cha mẹ cần trò chuyện và tương tác với trẻ như: đặt câu hỏi và phân tích, so sánh, khuyến khích sự tò mò và sáng tạo, cách giải quyết vấn đề của các em.
Đề cao lòng trắc ẩn
Giáo dục cảm xúc bằng cách tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc vui chơi, chia sẻ và trò chuyện cùng bạn bè, xem những bộ phim mang tính giáo dục và tập cho trẻ gọi tên những cảm xúc của những nhân vật trong phim ảnh. Cho trẻ thực hành và đóng tình huống theo các chủ đề khác nhau và tập bộc lộ những cảm xúc của mình. Cùng với đó là chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động, kèm hình ảnh để trẻ dễ nhận biết và học tập hiệu quả hơn.
Trong thời đại của AI, đòi hỏi thế hệ trẻ phải có khả năng thích ứng cao với công nghệ, năng lực số; áp lực về việc thu nạp kiến thức mới, môi trường làm việc đa dạng, sự cạnh tranh ngày càng lớn. Vì thế, sức khoẻ tinh thần, tâm lý của thế hệ trẻ có nhiều biến động. Thời gian dành cho các mối quan hệ, tương quan dần ít đi, rạn nứt vì thiếu sự tiếp xúc trực tiếp, khả năng nhận diện cảm xúc của người khác cũng hạn chế.
Cùng với đó, trong thời đại này, giáo dục về lòng trắc ẩn cho thế hệ trẻ là phương diện rất cần thiết. Tác giả Larry Stevens - C.Chad Woodruff đã định nghĩa: "Lòng trắc ẩn được hình thành từ ba yếu tố: sự thông cảm cảm xúc, nhận thức trạng thái như sự buồn bã và mong muốn giúp đỡ. Sự khác biệt của lòng trắc ẩn so với cảm thông là sự khao khát giảm bớt nỗi đau khổ của người khác".
Thông qua đó, chúng ta có thể suy tư nếu thế hệ trẻ được giáo dục về lòng trắc ẩn ngay từ khi còn nhỏ thì trẻ sẽ rất quan tâm đến cảm xúc và chia sẻ với người khác, biết yêu thương không chỉ bằng lời nói ra mà còn bằng hành động giúp đỡ cụ thể.
Trẻ có lòng trắc ẩn sẽ cảm thông và quan tâm đến người khác, chia sẻ với người khác. Do đó, trẻ cũng sẽ có khả năng nhận biết và quan tâm đến bản thân mình. Trẻ cần có lòng trắc ẩn với bản thân, thay vì nhìn những thiếu sót của mình thì trẻ sẽ có suy tư thấu hiểu và biết chấp nhận những điểm yếu của cá nhân mình, biết khiêm tốn và lạc quan; biến những khó khăn và trở ngại của bản thân thành một kịch bản thú vị trong hành trình cuộc đời.
| Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, khi bỏ quên văn hóa đọc, người ta sẽ bị biến thành người tiêu thụ văn hóa nghe nhìn ... |
| Theo GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, kỷ nguyên chuyển đổi số mang đến nhiều thay đổi trong cách thức con người tiếp cận và xử ... |
| PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: Để lan tỏa văn hóa đọc, cần có chiến lược đầu tư cho phát triển sách Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học ... |
| TS. Nguyễn Viết Chức: Đối thoại, hợp tác để phát triển nhìn từ Hiệp định Geneva Nhìn từ Hiệp định Geneva, bài học chúng ta vận dụng đó là, chỉ có thể đối thoại, hợp tác mới có thể phát triển. |
| 'Hiệp định Geneva là thắng lợi lớn của đất nước chúng ta' Kể về người cha của mình - Đại tá Hà Văn Lâu, bà Hà Thị Diệu Hồng cho biết: "Ba tôi thường căn dặn con ... |