📞

Boris Johnson và Brexit: Xanh vỏ, đỏ lòng

Dịch Dung 16:49 | 21/08/2019
TGVN. Thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit và câu chuyện Brexit lại sôi động trở lại ở Anh và trong EU. Thử giải mã tính toán mới này của vị tân Thủ tướng Anh. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Ông Johnson chủ trương Brexit bằng mọi giá cho đến ngày 31/10 tới. Biếm họa của tác giả Chris Riddell, báo The Guardian (Anh)

Gần một tháng sau khi thực hiện được mơ ước đeo đẳng từ thời còn trai trẻ và ngay trước chuyến công du châu Âu lục địa đầu tiên, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã làm sôi động trở lại câu chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) với bức thư riêng 4 trang gửi cho các vị lãnh đạo EU.

Bài toán mới của ông Johnson

Nội dung cốt lõi nhất trong đó là ông Johnson đề nghị đàm phán lại với EU về Brexit và thay thế thoả thuận đã có giữa Liên minh này với chính quyền tiền nhiệm ở Anh (với Thủ tướng Theresa May) về miễn kiểm soát ở vùng ranh giới giữa Bắc Ireland (do Anh quản lý) và Ireland (thành viên EU) sau khi nước Anh ra khỏi EU (còn được gọi là backstop).

EU cho tới nay kiên định quan điểm từ chối đàm phán lại với Anh về Brexit và kiên quyết duy trì thoả thuận đã đạt được với chính phủ của bà May về backstop. EU cho biết, cũng chỉ sẵn sàng xem xét việc gia hạn một lần nữa thời điểm cuối cùng cho Brexit, hiện dự kiến vào ngày 31/10 tới, khi ở phía Anh có được sự đồng thuận chính trị trong quốc hội Anh cho thoả thuận với EU về Brexit.

Ông Johnson chủ trương Brexit bằng mọi giá cho đến ngày 31/10 tới, tức là nước Anh chắc chắn sẽ ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/10 tới bất kể với hay không với thoả thuận nào với EU về Brexit. Nhờ quan điểm này mà ông Johnson đánh bại được hết mọi đối thủ chính trị trong Đảng Bảo thủ Anh cầm quyền để trở thành Thủ tướng Anh, kế nhiệm bà May. Trong quốc hội Anh hiện tại, Đảng Bảo thủ mà ông Johnson là thủ lĩnh không có đa số và cầm quyền nhờ sự dung chấp của một đảng nhỏ. Ông Johnson lại đâu có muốn đoản thọ về chính trị quyền lực.

Bởi vậy, người này chơi đồng thời hai con bài là thực hiện Brexit bằng mọi giá và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, tức là dùng cái này phục vụ cái kia. Bởi vậy, việc thực hiện Brexit lúc này đồng thời là vận động tranh cử đối với ông Johnson. Kỳ phùng địch thủ chính trị hiện tại ở Anh đối với ông Johnson và Đảng Bảo thủ không phải là Công đảng Anh với thủ lĩnh của đảng này là ông Jeremy Coburn mà chính là đảng Brexit với thủ lĩnh đảng là Nigel Farage.

Cho nên mới có chuyện ông Johnson đưa ra đề nghị đàm phán với EU trong khi nhận thức và biết trước rằng, sẽ không được Liên minh này chấp nhận, cũng như không phải để được EU chấp nhận vì EU không thể chấp nhận.

Mục đích chính của ông Johnson là đổ lỗi hết cho EU, đại loại như nước Anh sẽ ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/10 tới và nếu không đạt được thoả thuận nào với EU về Brexit thì lỗi hoàn toàn thuộc về phía EU. Sau đó, ông Johnson sẽ trình bày tại quốc hội Anh là EU không chịu đàm phán lại với chính phủ Anh về Brexit nên nước Anh không có sự lựa chọn nào khác là phải ra khỏi EU mà không có thoả thuận nào. Quốc hội Anh chấp thuận thì ông Johnson đạt được kết quả như mong đợi. Quốc hội Anh bác bỏ thì ông Johnson sẽ chơi ra con chủ bài cuối cùng là giải tán quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm có quốc hội mới và chính phủ mới ở Anh để xử lý Brexit với EU. Như thế, ông Johnson đâu có khác gì xanh vỏ đỏ lòng đối với EU và gài mẹo giăng bẫy đối với quốc hội Anh.

Cái kết đã rõ của Brexit

Với đề nghị mới này của ông Johnson, chuyện Brexit lại sôi động và thời sự ở Anh và trong EU nhưng chiều hướng diễn biến sẽ là Brexit không với thoả thuận nào giữa Anh và EU vào ngày 31/10 tới. Đó là kịch bản mà ai ai cũng biết là tồi tệ nhất đối với cả hai bên nhưng lại có lợi nhất và ít rủi ro nhất đối với ông Johnson trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cầm quyền này ở Anh. EU không muốn nhưng sẽ chấp nhận khi không còn sự lựa chọn nào khác. Các đảng phái chính trị ở Anh không muốn nên hết sức lo ngại. Ông Johnson bây giờ đang tận dụng và tận lợi triệt để tình trạng tâm lý ấy.

Thời gian qua, EU vốn rất thiện chí với bà May nhưng với ông Johnson thì lại không thể không thận trọng bởi cách tiếp cận của ông Johnson không phải là đàm phán với EU để đạt thoả thuận giúp tránh được kịch bản Brexit không thoả thuận mà là dùng chính kịch bản ấy để dồn ép EU như thể biến EU thành con tin của câu chuyện Brexit. EU không thể không thận trọng và ngại ngần bởi triển vọng về cặp bài trùng Donald Trump/Boris Johnson thời hậu Brexit dường như sẽ là cơn ác mộng lớn đối với EU.

Chuyện Brexit đang dần tới hồi kết. Cái kết của nó đang dần định hình. Nhưng hệ luỵ của cái kết này thì hiện nay thật chưa ai có thể lường đoán hết được. Ở Phương Tây có câu ngạn ngữ "Sau khi sự việc xảy ra rồi thì ai cũng thông minh hơn"!

Dịch Dung