📞

Brazil: Covid-19 khiến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng

Khánh Tâm Châu 09:00 | 11/03/2021
TGVN. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Brazil, thám tử Fernanda Fernandes thuộc sở cảnh sát Rio de Janeiro biết chắc chắn tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng ở mức báo động.

Tuy nhiên, Fernandes không thể làm gì hơn khi có rất ít nạn nhân đến trình báo. Fernandes là người điều hành Cơ quan Chuyên trách Hỗ trợ Phụ nữ tại thành phố Duque de Caxias thuộc Rio. Chị cho biết: “Những phụ nữ không thể thoát khỏi nhà khi bị bạo hành do tình hình cách ly ngừa dịch Covid-19 lan rộng. Tuy nhiên, số đơn khiếu nại tăng lên khi dịch bệnh bắt đầu hạ nhiệt".

Vanessa Lima, 34 tuổi, bị chồng đánh đập và bạo hành tâm lý. (Nguồn: Reuters)

Fernandes cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều cặp vợ chồng tại Brazil mất việc làm, khiến gia đình lục đục. Nền kinh tế Brazil sụt giảm 4,1% vào năm ngoái và sự phục hồi của nền kinh tế nước này rất có thể sẽ diễn ra chậm chạp khi vẫn đang phải vật lộn với một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Một con số đáng báo động đó là Brazil đã ghi nhận 649 vụ “femicide” (hành vi giết hại vợ, người yêu và các thành viên nữ trong gia đình) trong nửa đầu năm 2020, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, theo công bố của Diễn đàn An toàn Công cộng Brazil.

Báo cáo mới nhất của cơ quan trên cho thấy, “việc giảm số đơn khiếu nại trong giai đoạn này phản ánh những khó khăn và trở ngại mà phụ nữ gặp phải trong thời kỳ đại dịch, thay vì là dấu hiệu cho thấy số vụ bạo lực nhắm vào phụ nữ đã giảm đi”.

Fernandes và các cộng sự đã xử lý 4.121 trường hợp bạo lực gia đình vào năm 2019. Cô thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến trên Facebook để thông báo cho cộng đồng địa phương về sự cần thiết phải tố cáo các hành vi bạo lực gia đình.

Vào năm 2006, Brazil đưa ra các hình phạt cứng rắn đối với hành vi bạo lực gia đình bằng luật Maria Da Penha – được đặt theo tên một phụ nữ bị liệt nửa người sau khi bị chính người chồng bắn trong lúc ngủ. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, Brazil mới chính thức công nhận “femicide” là một loại tội phạm – một bước tiến chậm so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Colombia, Chile, Argentina và Mexico.

Paulo Cesar da Conceicao, người điều hành CR Homem, một trung tâm phục hồi nhân phẩm cho những người đàn ông liên quan đến bạo lực gia đình, cho biết: Hầu hết những kẻ bạo hành đều không muốn nhận trách nhiệm và đều đổ lỗi cho nạn nhân đã kích động họ. Conceicao cho biết, anh và đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc trò chuyện nhằm giúp nam giới thấy được trách nhiệm của bản thân đối với hành vi bạo lực gia đình.

(theo Reuters)