Khẩu hiệu Get Brexit Done (Hãy hoàn thành Brexit) liệu có trở thành hiện thực? (Nguồn: The Atlantic) |
Thời gian đang dần trôi về hạn chót 31/10 và ông chủ số 10 Downing hiện phải “chạy nước rút” để có kế hoạch Brexit hoàn chỉnh trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/10. Dù đã gắng hết sức để chứng tỏ với chính giới Anh rằng ông sẽ là người đưa quốc gia này hoàn thành tiến trình Brexit êm đẹp, nhưng thực tế cho thấy Thủ tướng vẫn bế tắc và chưa tìm được giải pháp.
Hiện ông Johnson có kế hoạch tiết lộ đề xuất cuối cùng của Anh với Liên minh châu Âu (EU) trong bài phát biểu tại Hội nghị đảng Bảo thủ ở Manchester ngày 2/10 và sau đó sẽ chuyển đề xuất này tới EU. Ông cũng ra “tối hậu thư” rằng nếu Brussels không tán thành đề xuất này, London sẽ ngưng toàn bộ đàm phán và chắc chắn rời EU mà không cần thỏa thuận vào ngày 31/10.
RTE ngày 30/9 dẫn một tài liệu được cho là đề xuất của Anh gửi tới Brussels cho biết Anh sẽ đề xuất lập “các trạm cấp phép thuế quan” ở vị trí cách biên giới 8 – 16km về phía Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh, thay thế cho giải pháp chốt chặn, vốn là bế tắc chính trong quá trình thương lượng lại Brexit.
Song theo giới phân tích, đề xuất này là không khả thi và Thủ tướng Anh đang cố gắng kéo dài thời gian mà không định đưa ra một thỏa thuận giới lãnh đạo EU có thể chấp nhận. Tổng tuyển cử có khả năng diễn ra cuối năm nay và ông Johnson có lẽ chú trọng xây dựng hình ảnh người hùng chấm dứt “mớ bòng bong” ba năm rưỡi mang tên Brexit để tái cử, hơn là giải quyết chi tiết về thủ tục hải quan của Ireland.
Phản ứng trước việc này, ngày 1/10, ông Johnson cho rằng thông tin “rò rỉ” của báo chí là chưa chính xác, nhưng cũng không phủ nhận hoàn toàn chiến lược của mình. Vấn đề hiện nay là sau Brexit, Bắc Ireland sẽ không được áp dụng quy chế của thị trường EU và đương nhiên rào cản thương mại với Cộng hòa Ireland, nước vẫn thuộc EU. Tuy nhiên, nếu không tạo ra rào cản thương mại, hàng hóa của Anh và Bắc Ireland vẫn được áp dụng các quy chuẩn chung và tự do thông thương với EU.
Trong khi đó, cuộc chiến giữa Thủ tướng và Quốc hội Anh tiếp tục kéo dài. Ông Johnson đã nhiều lần khẳng định Anh sẽ chắc chắn rời khỏi EU vào ngày 31/10, nhưng Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật yêu cầu Thủ tướng hoãn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận hợp lý tại Thượng đỉnh với EU ngày 17/10. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết sẽ tiếp tục đình chỉ Quốc hội nhằm thực hiện một nghị trình lập pháp mới.
Đáng ngại hơn, sau những lùm xùm chính trị, Quốc hội Anh đã bị phân mảnh. Khi ấy, ông Johnson sẽ khó giành đủ phiếu để thông qua bất kỳ thỏa thuận nào. Nhờ đó, nếu Brexit đổ bể thì ông Johnson có thể lập luận rằng chính Quốc hội đã ngăn ông thực hiện nghị trình của mình.
Tình hình hiện tại không hề thuận lợi và ông Boris Johnson nhận thức rõ điều đó, nhất là khi nó khiến vị thế chính trị và chiếc ghế Thủ tướng của ông lung lay hơn bao giờ hết. Với những gì nhà lãnh đạo này đã thể hiện thời gian qua, nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao Anh đang đặt câu hỏi: Đối mặt với thách thức, liệu Thủ tướng có dành sự quan tâm đến tìm kiếm thỏa thuận hợp lý với Liên minh châu Âu (EU), hay chỉ đang lẩn tránh trách nhiệm trước một thỏa thuận thất bại?