Năm 2014, các lệnh trừng phạt chống Nga được Nhật Bản và Australia áp đặt, nhưng đến năm 2022, tình hình có vẻ rất khác, cả về số lượng đối tác châu Á áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, cũng như quy mô của những biện pháp này.
Theo đó, danh sách “các quốc gia và vùng lãnh thổ không thân thiện” được Chính phủ Nga phê duyệt bao gồm Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Nền kinh tế Nga đang bị 'bủa vây' bởi các lệnh trừng phạt từ nhiều phía. (Nguồn: Logistics Asia) |
Có ảnh hưởng nhưng không quá lớn
Australia áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Nga vào các ngày 8/3, 14/3 và 18/3, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các nhà lãnh đạo, chính trị gia, các nhà quản lý và giới doanh nhân Nga (cấm đến thăm và giao dịch tài chính).
Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với hoạt động tài chính của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Ngân hàng trung ương Liên bang Nga, Quỹ phúc lợi Quốc gia (NWF), Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và nhiều tổ chức khác.
Vào ngày 18/3, Bộ Tài chính Liên bang Nga, Sberbank, Gazprombank, VTB, VEB.RF, Alfa-Bank… cũng đã bị trừng phạt tài chính. Những tổ chức tài chính này chiếm đến 80% ngành ngân hàng Nga.
Tin liên quan |
'Bị xa lánh' ở châu Âu, dầu mỏ Nga đang tìm đến châu Á? |
Vào ngày 20/3, việc xuất khẩu quặng nhôm, bao gồm bauxite và nhôm đã bị cấm. Do quan hệ kinh tế giữa Nga và Australia là không đáng kể và vốn đã trở nên phức tạp kể từ năm 2014, nên không có hậu quả kinh tế nghiêm trọng nào đến từ các biện pháp này.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới nhất của Australia sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty nhôm Nga. Gần 20% nhu cầu bauxite và nhôm của Nga được đáp ứng bởi nguồn cung cấp từ Australia.
Trong khi đó, ngày 9/3, Quốc hội New Zealand đã thông qua Luật trừng phạt Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand, các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với một quốc gia cụ thể.
Ngày 18/3, chính phủ New Zealand đã áp đặt các hạn chế, bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với 13 quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Nga, cấm nhập cảnh đối với 364 công dân Nga (chính trị gia, doanh nhân, chính khách), cấm sở hữu tài sản và sử dụng dịch vụ liên quan đến 19 pháp nhân. Tuy nhiên, do những ràng buộc kinh tế là không đáng kể, nên những tác động từ các biện pháp hạn chế này cũng không lớn.
Ngày 25/2, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) tuyên bố sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga và sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Đài Loan cho biết sẽ xem xét khả năng áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga.
Vào ngày 27/2, có thông báo, công ty TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn chủ chốt trên thế giới đã ngừng cung cấp chất bán dẫn cho Nga, cũng như ngừng việc sản xuất chất bán dẫn nhãn hiệu Elbrus được phát triển ở Nga.
Các hạn chế và cấm vận đối với xuất khẩu chất bán dẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp của Nga, do hầu hết các nền kinh tế sản xuất chất bán dẫn khác cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc công bố kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với “xứ Bạch dương”, trong khi Trung Quốc có một thị phần nhỏ với trình độ công nghệ thấp hơn.
Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Bộ trưởng Kinh tế Singapore Vivian Balakrishnan đã phát biểu về điều này tại Quốc hội vào ngày 28/2.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore chính thức tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận đối với hàng hóa chiến lược được dùng cho quân sự hoặc các thành phần dùng cho quân sự và công nghệ liên quan, cũng như một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm cấm giao dịch với các ngân hàng VTB, VEB.RF, Promsvyazbank và Rossiya Bank, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga (BoR).
Singapore đóng vai trò điểm ngách đi vào thị trường ASEAN đối với nhiều công ty nước ngoài, bao gồm Nga, nhờ hệ thống luật pháp, các dịch vụ cung cấp và có chức năng như một trung tâm thương mại.
Năm 2019, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Singapore đã ký kết thỏa thuận về thương mại hàng hóa tự do. Trong bối cảnh đó, các biện pháp trừng phạt sẽ áp đặt hạn chế đối với hợp tác kinh tế giữa Nga và Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và có thể tạo ra sự ngưng trệ hoặc phải hủy bỏ việc ký kết một thỏa thuận giữa EAEU và Singapore về tự do hóa thương mại dịch vụ.
Nhật Bản và Hàn Quốc: Lệnh trừng phạt mang “hơi thở” của Mỹ
Nhật Bản đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt với Nga. Ngày 23/2, để đáp trả việc Nga công nhận độc lập cho hai vùng Donetsk và Lugansk, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố lệnh cấm cung cấp thị thực, đóng băng tài sản và cấm xuất nhập khẩu từ hai vùng này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng quyết định áp đặt lệnh cấm phát hành trái phiếu của Nga.
Tiếp theo là các biện pháp cụ thể và danh sách những cá nhân bị trừng phạt. Vào ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ tham gia sáng kiến của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngắt kết nối một số ngân hàng của Nga khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Ngày 1/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo áp dụng các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với lãnh đạo Nga, bao gồm, Tổng thống Nga và ba ngân hàng gồm Promsvyazbank, VEB.RF và BoR; cấm xuất khẩu đối với 49 công ty và tổ chức có khả năng củng cố tiềm lực quân sự của Liên bang Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Nga. (Nguồn: AP) |
Ngoài những hạn chế nêu trên, danh mục hàng hóa thuộc chế độ kiểm soát xuất khẩu sang Nga đã được mở rộng đáng kể.
Ngoài ra, lệnh cấm xuất khẩu đã được áp dụng đối với 81 pháp nhân (trong tổng số 130), các nhà máy đóng tàu và chế tạo máy, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử và hệ thống thông tin, cũng như các doanh nghiệp trong ngành tên lửa và vũ trụ.
Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra tuyên bố vào ngày 24/2 về việc sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế đa phương để đáp trả các hành động của Nga, nhưng sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, bao gồm cả các biện pháp tài chính.
Bên cạnh các công ty châu Âu và Mỹ, hàng loạt công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạm ngừng hoạt động tại Nga. Trong số đó có cả các công ty cung cấp hàng hoá sản xuất ở nước ngoài và các doanh nghiệp thực hiện sản xuất ở Nga.
Không giống như một số công ty phương Tây, các công ty châu Á thông báo tạm ngừng hoạt động chứ không phải rút hoàn toàn khỏi Nga. Lý do chính dẫn đến những quyết định như vậy là khó khăn về tài chính, vấn đề kho vận (logistics), biến động tỷ giá hối đoái…
Tương lai quan hệ Nga-châu Á: Cánh cửa còn bỏ ngỏ
Cho tới nay, tình hình vẫn chưa được giải quyết và người ta chỉ có thể nói về kết quả sơ bộ của các biện pháp trừng phạt hiện tại. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của các nước châu Á vẫn còn hạn chế hơn so với EU, Anh, Mỹ và Canada.
Tình hình có thể thay đổi tùy thuộc vào việc chế độ trừng phạt được thực thi nghiêm ngặt như thế nào, có ngoại lệ hay không, giấy phép sẽ được cấp như thế nào, liệu các biện pháp nhất định sẽ được xem xét lại và nếu có, trong điều kiện nào, những biện pháp trừng phạt mới nào sẽ được đưa ra…
Hậu quả đối với quan hệ kinh tế song phương trong ngắn hạn là vô cùng tiêu cực, do các doanh nghiệp cần hiểu rõ tình hình hiện tại và thích ứng với nó, còn về trung hạn sẽ phụ thuộc vào gói lệnh trừng phạt cuối cùng và phản ứng của Nga.
Tin liên quan |
‘Khủng hoảng Ukraine’ sẽ thay đổi trật tự thế giới? |
Nga sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt của Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và các đối tác kinh tế quan trọng của nước này ở châu Á, ngoài Trung Quốc. Hợp tác công nghệ cao Nga-Nhật Bản cũng thực sự bị đình chỉ hoặc đang bị đặt dấu hỏi lớn do việc áp dụng chế độ kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và các biện pháp khác.
Đồng thời, các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoạt động tại Nga cũng không muốn bị giảm lợi nhuận và mất vị thế trên thị trường nước này. Điều này đặc biệt đúng với Hàn Quốc do so với các doanh nghiệp Nhật Bản, thị trường Nga chiếm một vị trí quan trọng hơn trong việc xuất khẩu các sản phẩm của nước này.
Các nhà sản xuất Hàn Quốc lo ngại, nếu họ rời khỏi thị trường, các công ty Trung Quốc sẽ thế chỗ. Ngày 14/3, người đứng đầu Bộ Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov bày tỏ hy vọng rằng, hầu hết các doanh nghiệp, sau khi đã điều chỉnh lại chuỗi sản xuất và hậu cần, sẽ quay trở lại làm việc tại Nga.
Có thể giả định rằng, sau khi chấm dứt tâm lý đối địch và khi các mối quan hệ logistic dần được khôi phục hoặc định hướng lại, các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạm ngừng hoạt động ở Nga sẽ dần dần quay trở lại hoạt động do họ quan tâm đến thị trường Nga, nếu các điều kiện cần thiết cho điều này được tạo ra và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề khác - như thanh toán qua ngân hàng và tỷ giá hối đoái biến động - được gỡ bỏ.
Hiện tại, câu hỏi đặt ra là những biện pháp trừng phạt nào sẽ được đưa ra. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không độc lập áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các ngân hàng Nga, nhưng có khả năng cao là họ sẽ tuân theo các biện pháp do Mỹ và EU đưa ra.
| Tác động của xung đột Nga-Ukraine: Khả năng về chiến tranh lạnh mới Trong trao đổi với TG&VN, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, đã nêu quan điểm về những tác động của ... |
| Căng thẳng Nga-Ukraine sẽ tạo bước ngoặt trong sự phát triển của trật tự kinh tế thế giới? Đã hơn một tháng kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu bùng nổ, hai bên dường như đều chịu những tổn ... |