Bức giá tượng Lạc Long Quân. (Nguồn: Lao động) |
Bức giá tượng (phù điêu) hiện được lưu giữ tại di tích đình Nội (đền Lạc Long Quân, xã Bình Minh, Thanh oai, Hà Nội), có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, được chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng.
Bảo vật này miêu tả cảnh Lạc Long Quân khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền và tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương. Nổi bật là đức Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt”, mình khoác long bào.
Bức giá tượng được tu tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cổ xưa. Ngoài giá trị lịch sử, độc bản, nghệ thuật của bức giá còn thể hiện rõ tư tưởng tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa dân gian giúp mọi người nhớ về nguồn cội dân tộc. Tương truyền rằng, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên làm vua đã cho thợ giỏi chế tác bức giá có chiều dài 2,8m và rộng 2,2m này. Đây cũng là bức giá tượng duy nhất ở Việt Nam có hình Lạc Long Quân.
Tại lễ đón nhận bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4, lãnh đạo huyện Thanh Oai khẳng định, bức giá tượng được công nhận là bảo vật quốc gia là niềm tự hào đối với người dân Thanh Oai, đồng thời đặt ra cho địa phương trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn di tích, phát huy các giá trị của di sản.
Cùng với bức giá tượng Lạc Long Quân, Hà Nội còn có thêm 4 bảo vật quốc gia được công nhận trong đợt này, gồm Pho tượng Trấn Vũ niên đại năm 1802 hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, quận Long Biên), Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng có niên đại Văn hóa Đông Sơn, cây đèn gốm có Niên hiệu Diên Thành 5 (năm 1582) và Long đình gốm Bát Tràng, niên đại thế kỷ XVII.