Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021. (Ảnh: Lê Hải Yến) |
Điểm nhấn từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức với một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Như lời Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thì “Hội nghị là sự kiện mang tính chất lịch sử” và “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Đặc biệt, tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế còn tồn tại trên lĩnh vực văn hóa. Từ đó, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, như: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa…
Giới văn nghệ sĩ cho rằng, Hội nghị như bản tuyên ngôn về con đường đi của dân tộc, đó là con đường văn hóa, như lời Bác Hồ là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội còn đánh giá, đây là một “Hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa.
Vầng hào quang chiến thắng
Năm 2021, di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục tỏa sáng cùng văn hóa thế giới khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, UNESCO cũng đã thông qua nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Năm qua, dù dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trong nước và quốc tế, thế nhưng nhiều người đẹp vẫn vượt khó tham gia và chiến thắng tại các cuộc thi, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Điện ảnh 2021 có nhiều bộ phim thành công vượt bậc. |
Và những cái tên được vinh danh là Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021 (Hoa hậu Hòa bình quốc tế), Hoàng Hương Ly đoạt giải Hoa hậu Du lịch các quốc gia tại cuộc thi Miss Tourism International 2021 (Hoa hậu Du lịch quốc tế) và Bella Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International 2021 (Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế), người mẫu Quỳnh Anh giành giải cao nhất tại Siêu mẫu châu Á (SupermodelMe) mùa thứ 6…
Nếu để biểu dương tinh thần vượt khó trong năm 2021 thì điện ảnh cũng đáng khen ngợi bởi trong năm chỉ có khoảng 10 phim điện ảnh Việt được ra rạp. Thế nhưng, đã có nhiều bộ phim tạo được cơn sốt phòng vé như: Bố già (đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng), Lật mặt: 48h (hơn 150 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu V (hơn 55 tỷ đồng)... Không chỉ đạt doanh thu cao nhất năm và lập kỷ lục là tác phẩm điện ảnh Việt ăn khách nhất mọi thời đại, phim Bố già còn đoạt giải Cánh diều Vàng cùng giải Nam chính và Quay phim xuất sắc.
Điện ảnh Việt cũng ghi dấu ấn với tác phẩm Vị thắng giải Encounters tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71; Người lắng nghe: Lời thì thầm thắng ở ba hạng mục tại Liên hoan phim quốc tế nghệ thuật châu Á 2021.
Những gam trầm
Bên cạnh những thành tựu rực rỡ thì năm 2021 có gam màu trầm như sự ra đi đột ngột của hàng loạt nghệ sĩ gạo cội, tài năng như NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Kiên, nhạc sĩ Phú Quang, đạo diễn Lê Cung Bắc, ca sĩ Phi Nhung, Ngô Quốc Linh, nghệ sĩ Bạch Mai...
Năm qua, trong giới nghệ sĩ cũng diễn ra những chuyện lùm xùm về sao kê, từ thiện và quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, sau những vụ việc đáng tiếc ấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời soạn thảo và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vào tháng 12/2021.
Với mục tiêu xây dựng chuẩn mực hành vi ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật, Bộ Quy tắc nêu ra nhiều quy tắc trong các lĩnh vực như hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với công chúng, ứng xử trên truyền thông và mạng xã hội.
Đặc biệt, Bộ Quy tắc nhấn mạnh, nghệ sĩ phải công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm…
Môi trường pháp lý cho điện ảnh
Liên quan đến những định hướng trong chính sách quản lý điện ảnh, trong kỳ họp Quốc hội năm qua, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được bàn thảo gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Công chúng và giới nghệ sĩ đều nhận thấy việc sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành là rất cần thiết, bởi khi môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Dự kiến, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.