Meng Ni và Fan Zhiqing chuẩn bị kết hôn, họ đã mua căn hộ đầu tiên của mình, góp phần làm nhộn nhịp thị trường nhà đất. Phần đông, những cặp mới cưới đều muốn ra riêng chứ không phải sống chung với cha mẹ như truyền thống lâu nay ở Trung Quốc. Ước tính nhu cầu về nhà ở cho các cặp uyên ương độ tuổi 20, 30 sẽ tăng nhanh từ nay đến năm 2015. Những cặp đôi như vậy tại Trung Quốc mỗi năm cần thêm 450 triệu m2 nhà ở, chiếm 16% tổng diện tích nhà mới xây. Meng cho biết 3/4 hàng xóm của cô ở độ tuổi 30. Họ là thế hệ đầu tiên của chính sách 1 con tại Trung Quốc khởi điểm từ năm 1979 nhưng vẫn là lực lượng đông đảo hơn so với thế hệ nhỏ hơn hoặc lớn hơn.
Trưởng thành trong giai đoạn Trung Quốc bùng nổ kinh tế nên họ không cảm thấy khó khăn về kinh tế. Vì vậy, ít khi họ biết dành dụm như thế hệ cha anh. Lễ cưới là dịp để họ chứng tỏ khả năng xài tiền của mình. Theo thống kê chính thức, ngành công nghệ tiệc cưới của Trung Quốc hiện nay mỗi năm có doanh thu khoảng 400 tỷ NDT (58,5 tỷ USD), đóng góp gần 2,5% vào GDP của nước này.
Khu phức hợp dịch vụ cưới Xidan nằm ở trung tâm Bắc Kinh gồm 3 tầng, 1 tầng dành cho quần áo cưới, 1 tầng dành cho nữ trang và 1 tầng là studio. Không giống như các năm trước, hiện giờ, hầu hết các cô dâu Trung Quốc đều không thuê áo cưới mà mua hẳn với giá ít nhất 2.000 NDT (293 USD)/cái.Kim cương cũng được đa số bạn trẻ Trung Quốc ở các thành phố chọn lựa làm trang sức cho ngày cưới. Một cửa hàng ở Bắc Kinh chuyên bán nhẫn cưới cho biết họ bán hàng trăm chiếc nhẫn kim cương 1 tháng. Nhiều cô dâu còn sang hơn khi dùng trang sức platinum cho hợp với áo cưới màu trắng.
Công nghệ chụp ảnh cưới cũng bùng nổ mạnh mẽ với nhiều phong cách “hàng độc” với mong muốn của các cô dâu chú rể là không “đụng hàng”. Cô dâu chú rể diện quần áo cổ phương Tây ngồi trên một căn gác cổ kiểu Pháp trên một đại lộ cũng kiểu Pháp. Hoặc chú rể diện đồ cao bồi chụp ảnh trong một hình nền của miền Tây hoang dã như các phim cao bồi Mỹ. Hành động kiểu như anh hùng cứu mỹ nhân với cô dâu.
Theo các nhà kinh tế Trung Quốc, cho dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động lên nhiều ngành như xuất khẩu, ngân hàng, bảo hiểm nhưng đối với công nghiệp cưới hỏi thì không. Thậm chí ngành công nghiệp này còn tăng mạnh hơn.Theo SGGP