Các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về AI. (Nguồn: elblog.pl) |
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 21/3 thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt đối với mục tiêu thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”, nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho nhân loại.
Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do AI gây ra.
Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của hơn 120 quốc gia thành viên LHQ. Đây là sáng kiến mới nhất của các chính phủ trên toàn cầu nhằm đưa sự phát triển của AI vào khuôn khổ, trong bối cảnh nhiều nước lo ngại AI có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng nguy cơ gian lận, làm mất nhiều vị trí việc làm và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Bảo vệ quyền con người
Nghị quyết về AI được Đại hội đồng LHQ thông qua trong bối cảnh công nghệ này đang có những bước phát triển nhanh chóng. Ví dụ như sự ra đời ấn tượng của công cụ ChatGPT khiến cộng đồng xã hội cảm thấy rất bất ngờ.
Đáng chú ý là Đại hội đồng LHQ nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong quá trình thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan “kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống AI không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền”.
Đại hội đồng LHQ cũng khuyến nghị các nước thành viên LHQ, các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp tư nhân và các kênh truyền thông xã hội phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành và quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
Nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên LHQ và các bên liên quan hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển có thể tiếp cận được công nghệ AI một cách công bằng, toàn diện, từ đó nâng cao trình độ kỹ thuật số để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.
Trong bài phát biểu giới thiệu về Nghị quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield cho rằng cộng đồng quốc tế đang đối mặt với cả cơ hội và trách nhiệm trong việc quản trị AI, chứ không để AI chi phối loài người.
Bà cam kết sẽ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước, và dùng AI để thúc đẩy các ưu tiên chung liên quan đến phát triển bền vững.
Việc thông qua Nghị quyết thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các nước trong vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh: “Công nghệ AI có khả năng mang lại nhiều tiến bộ hơn cho con người. Nhưng để bảo đảm khả năng tiếp cận những lợi ích này một cách công bằng và giảm nhẹ rủi ro cho cộng đồng, chúng ta phải tiếp cận công nghệ với tư cách là một cộng đồng toàn cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về phần mình, Đại sứ Morocco tại LHQ, ông Omar Hilale đánh giá việc thông qua Nghị quyết là bước ngoặt mới trong quá trình sử dụng và kiểm soát rủi ro của đối với AI. Ông nói: “Nghị quyết là bước đệm cho các sáng kiến đa phương hiện tại và tương lai về hợp tác kỹ thuật số, và đặc biệt là về AI. Nghị quyết không bao trùm tất cả các vấn đề. Nhưng việc thông qua nghị quyết giúp chúng ta định hình các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia”.
Một phần của luật pháp
Trước đó, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/3 chính thức thông qua Đạo luật AI (The AI Act) nhằm kiểm soát trí tuệ nhân tạo, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới cho việc quản lý lĩnh vực công nghệ đang có tốc độ phát triển nhanh và các hoạt động đầu tư có liên quan đến nó.
Đạo luật được thông qua trong phiên họp của Nghị viện EU với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng.
Việc thông qua đạo luật AI đã đưa EU tiến gần hơn đến mục tiêu có những quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý AI. Các nước EU dự kiến chính thức thông qua Đạo luật AI vào tháng 5 năm nay và có hiệu lực từ đầu năm tới, với một số điều khoản sẽ có hiệu lực sớm hơn.
Đạo luật AI được khởi thảo từ năm 2021. Nó phân loại công nghệ theo mức độ rủi ro từ trên xuống: Từ cấm phát hành, đến mức độ rủi ro cao, trung bình và thấp. Một số quốc gia châu Âu như Pháp và Đức ủng hộ việc chính phủ các nước thành viên EU tự điều chỉnh biện pháp quản lý với các doanh nghiệp AI của họ, do lo rằng quy định chặt chẽ quá mức có thể làm giảm sức cạnh tranh của các nước thành viên EU với các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Đạo luật AI được xem là luật hoàn chỉnh đầu tiên về AI trên toàn cầu.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Roberta Metsola khẳng định, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, AI cũng sẽ là một phần trong luật pháp của EU.
Các chuyên gia pháp lý nhận định đạo luật này của EU là cột mốc quan trọng đối với các quy định quốc tế về AI, và nó có thể mở đường cho các khu vực khác làm theo. Như trong một bài đăng của mình trên mạng xã hội X, ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ nhận định rằng châu Âu hiện là nơi đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về AI.
Mặc dù vậy, đối với một bộ phận giới nghiên cứu, trong đó có ông Mark Ferguson, chuyên gia về chính sách công tại công ty luật đa quốc gia Pinsent Masons thì việc thông qua đạo luật mới chỉ là bước khởi đầu và các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà lập pháp để hiểu cách thực hiện đạo luật này.
Đạo luật AI áp dụng cho các sản phẩm của công nghệ tại EU, bất kể chúng được phát triển ở quốc gia thành viên nào. Công ty nào vi phạm luật sẽ có khả năng bị phạt tới 7% doanh thu trên toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ và Đạo luật AI của EU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng nhân loại kiểm soát công nghệ và giúp loài người có những khám phá mới để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội, và giải phóng tiềm năng của con người.