📞

Buồn vui đi lễ Đền Trần

11:07 | 11/03/2010
Câu chuyện Vua Trần mở tiệc ban thưởng, phong chức tước cho quan quân có công với Triều đình và ban Ấn cho dân tại Phủ Thiên Trường, Nam Định xưa vẫn có sức hút to lớn với du khách thập phương. Ngày nay, nhiều người vẫn quan niệm xin được Ấn vào thời điểm khai Ấn không những sẽ được thăng quan tiến chức, mà còn thuận buồm xuôi gió trong công việc làm ăn…
Các bô lão trong Lễ rước ở Đền Trần

Nhiều năm gần đây cứ đến ngày khai Ấn đền Trần là hàng chục vạn người từ khắp các địa phương lại đổ về khu di tích lịch sử văn hóa Trần tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định để dự lễ khai ấn vào giờ tý (23 giờ) ngày 14 tháng giêng âm lịch.

Tắc đường và chen lấn...

Ngay từ chiều ngày 14 âm lịch, con đường từ thành phố Nam Định về khu di tích non 10 km, thường ngày yên ả bỗng chốc oằn mình tắc nghẽn bởi phải đón nhận hàng chục vạn người cùng hàng vạn xe cộ đi lại. Tỉnh Nam Định đã phải huy động tất cả các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc cục bộ. Ngay từ đầu đường Trần Thừa dẫn vào đền Thiên Trường, mấy lớp hàng rào sắt đã được triển khai cùng cảnh sát bảo vệ, cảnh sát giao thông nhưng xem ra cũng không làm dịu được tình hình mỗi lúc một nóng lên của dòng người cuồn cuộn đổ về xin Ấn. Kiên nhẫn nhích từng bước, sau gần 1 giờ đồng hồ kề vai thích cánh, mồ hôi nhễ nhại nhưng ai nấy đều hồ hởi vì cuối cùng đã đến được cổng Đền. Quang cảnh bên trong thật hỗn độn, người ta đè vai cưỡi cổ nhau để qua được cửa Đền. Dọc hai bên Đền là nơi bán ấn, hàng nghìn người ra sức xô đẩy, hò hét, một số thanh niên dùng 2 chân quặp lấy xà ngang dưới mái hiên buông người thò tay qua ô cửa để mua Ấn. Bên dưới, tiếng la ó, chửi thề cất lên như chợ vỡ…

Rút kinh nghiệm, năm nay Ban tổ chức đóng tất cả ấn lên vải. Không còn phân biệt đối xử, quan chức thì ấn vải, còn dân thường thì ấn giấy như năm ngoái. Năm nay nếu ai may mắn có mặt đúng giờ khai Ấn thì được ban Ấn, tất nhiên con số được ban cũng chỉ dừng lại ở khách mời và đại biểu…còn lại tất cả đều phải mua 20.000đ/ một Ấn. Sơ sơ mỗi dịp khai ấn hàng năm, Ban tổ chức lễ hội cũng thu về được vài tỷ đồng tiền bán ấn. Nhiều khách thập phương không đủ sức chen lấn bất lực đứng nhìn chờ mua lại của đám thanh niên mỗi tờ ấn giá 100 ngàn đồng. Tại đền Bảo Lộc thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ấn của Ngài được bày bán 20 ngàn đồng. Nhiều khách cầu kỳ muốn Ấn mình mua phải được đóng trực tiếp từ tay của thủ từ với giá được hét lên đến 100 ngàn đồng, vậy mà người ta vẫn tranh nhau chờ đóng. Cụ Trần thị Khoản, 80 tuổi ngồi bán Ấn ở cửa đền Bảo Lộc cười móm mém: Ôi dào…Ấn tôi bán đây thì cũng là của bản Đền đóng rồi đưa ra chứ đâu…các anh các chị bây giờ lắm tiền cứ vẽ chuyện, làm gì có ấn rởm mà phải chờ nhà đền đóng trực tiếp! Giả cái gì thì tôi không biết chứ làm giả Ấn Thánh thì không ai dám đâu… Anh Trần Văn Hoành, người nhỏ thó, mặc áo vải đũi cổ tàu, ngồi viết sớ ở cổng Đền Bảo Lộc bộc bạch rằng viết sớ cũng chỉ là phụ, chủ yếu ngồi đây là để giao dịch với khách. Công việc chính của anh là cúng lễ, chấn trạch, yểm bùa, xem hướng nhà, bàn thờ… Anh thường xuyên có mặt ở Hà Nội vì khá đắt khách.

Nở rộ dịch vụ ăn theo...

Điều mà bất kỳ ai đến đền Trần cũng đều nhận thấy là nạn ăn xin, ăn mày năm nay phát triển khá rầm rộ. Họ cứ vô tư nằm còng queo giữa đường, cũng chẳng thèm ngồi dậy xin, ai cho thì ném tiền vào chiếc nón lá chỏng chơ bên cạnh. Hòa vào các dịch vụ ăn theo lễ hội là tệ nạn cờ bạc tràn lan hai bên đường Trần Thừa. Một thanh niên đội mũ cối sùm sụp ngồi xổm ngay bên vệ đường, tay giơ 3 quân bài miệng hô to: 2 đen một đỏ, bắt đỏ ăn tiền… xung quanh là đám "chân gỗ" lăng xăng gạ gẫm lôi kéo người chơi. Bên kia đường, hàng chục người quây vòng tròn quay như kiểu chiếc nón kỳ diệu thi nhau đặt tiền vào những con số ghi sẵn trên vòng tròn. Người được thì cười ha hả, kẻ thua thì tiu nghỉu. Đám chơi cua cá cũng hấp dẫn không kém. Anh Nguyễn Văn Thọ ở phố Bắc Ninh, thành phố Nam Định cũng xuống đền Trần từ sáng để kiếm một chỗ bày 8 bàn cờ thế. Theo anh thì tất cả các trò chơi đều là cờ bạc bịp, ai tham thì chết. Còn cờ thế của anh là đòi hỏi phải có trí tuệ, ai yêu thích môn này mới chơi được. Ngày xuân trảy hội bỏ vài chục ngàn để học một thế cờ hay cũng là bổ ích.

Mang chuyện mắt thấy tai nghe ra trao đổi với Trung tá Trần Hữu Lộc, công an huyện Mỹ Lộc, anh cho biết: Lực lượng công an đã lên phương án đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội và du khách. Tuy nhiên do lượng khách quá đông nên không thể kiểm soát hết. Một số đối tượng cờ bạc từ địa phương khác đến nhưng khi thấy bóng cảnh sát thì chúng lại di chuyển nên cũng không làm gì được. Riêng tệ trộm cắp móc túi năm nay đã giảm hẳn, qua 1 ngày lễ hội nhưng chưa thấy có ai trình báo bị mất cắp. Còn nạn ăn xin vẫn là bài toán nan giải, Ban tổ chức đành chịu vì không thể đuổi họ đi đâu được...

Hãy giữ gìn truyền thống

Lễ hội khai Ấn xuất phát từ nghi thức của triều Trần. Theo quy định của triều đình ngày làm việc đầu tiên của năm mới bắt đầu từ rằm tháng Giêng, triều đình long trọng tổ chức lễ khai ấn báo hiệu ngày làm việc đầu tiên trong năm và qua đó cầu Quốc thái dân an, phong chức tước, ban ấn cho dân. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn. Tuy nhiên những hiện tượng phản cảm như tệ cờ bạc, ăn xin ăn mày tràn lan cần được Ban tổ chức và các ngành chức năng ở tỉnh Nam Định sớm có giải pháp khắc phục. Có như vậy Lễ hội khai Ấn đền Trần mới để lại nét đẹp trong con mắt du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

Hà Huy Hoàng