Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô (nguồn: vietnamtourism.gov.vn) |
Là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, âm nhạc của ca Huế thu nạp tinh hoa của nhạc cung đình, nhạc cửa quyền và tinh hoa của các làn điệu hò, lý ở miền Bắc và miền Trung. Hệ thống bài bản phong phú của ca Huế gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng, còn Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán.
Bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, trải qua quá trình phát triển lâu dài đã trở thành nhạc cổ điển hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế với bộ ngũ tuyệt Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền. Kỹ thuật đàn và hát, ca Huế đặc biệt tinh tế nhưng ca Huế lại mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế nên gần gũi với Hò Huế, Lý Huế.
Những năm qua, ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng ca Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định, mỗi chương trình ca Huế phải có thời lượng ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài). Ngoài ra, phải có tối thiểu 3 nhạc cụ (trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo) và tối thiểu 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn hoặc 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi... Các quy định về hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương nhằm từng bước nâng cao chất lượng bộ môn nghệ thuật này phục vụ khách du lịch.
Gần đây, Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tiến hành mở các chương trình bồi dưỡng nội dung, thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ gồm cả các nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và những người hoạt động nghệ thuật không chuyên nghiệp.
Nhân dịp này, Bộ VH-TT&DL còn công nhận 25 hệ thống khác là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc ba loại hình (lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian và tập quán xã hội-tín ngưỡng) như Lễ hội Đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang), Nghệ thuật Múa khèn của người Mông (Bắc Kạn). Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng (Đà Nẵng), Nghệ thuật Xòe Thái (Lai Châu), Hát nhà tơ (hát cửa đình) (Quảng Ninh)…
T.T (Tổng hợp)