📞

Cà Mau khai thác thế mạnh kinh tế biển

20:00 | 30/08/2016
Vị trí đặc thù với ba mặt đều giáp biển, Cà Mau có tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện, nhất là kinh tế thủy sản.

Là một trong bốn tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có điều kiện tự nhiên - xã hội thuận lợi và có tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản. Với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường 80 nghìn km2  và với  300 nghìn ha diện tích nuôi trồng trên đất liền, Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thủy sản lớn nhất nước.

Tính từ năm 2013 đến tháng 7/2016, Cà Mau đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,... với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,7 tỉ USD.

Tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam, cách TP. Hồ Chí Minh hơn 300km, TP. Cần Thơ 150km, nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, nối liền ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đang xây dựng. Dự án này khi hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác sẽ tạo cho Cà Mau cơ hội, lợi thế mới, tiến đến là cửa ngõ giao thương với các nước trong khối ASEAN. Đây sẽ là lợi thế mang ý nghĩa chiến lược của Cà Mau và của vùng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải, làm việc với Vụ Đông Á và Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Việt Nam.

Hiện nay, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm của toàn tỉnh đạt trên 441 nghìn tấn, trong đó sản lượng tôm chiếm tỷ trọng 34%. Đây là yếu tố thuận lợi đảm bảo nguồn liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài thế mạnh về thuỷ sản, Cà Mau còn có tiềm năng về tài nguyên rừng, khoáng sản và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Diện tích rừng của Cà Mau khoảng 110.000 ha, chủ yếu là rừng đước và rừng tràm. Về khoáng sản, vùng biển Cà Mau có tiềm năng lớn về khí đốt, trữ lượng khoảng 170 tỷ m3, là cơ sở để phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như: điện, đạm và một số ngành sử dụng khí thấp áp khác.    

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài cây lúa với diện tích khoảng 130.000 ha, Cà Mau còn có khả năng phát triển một số loài cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, lương thực, thực phẩm.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 13.970 tỉ đồng, tăng 4% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.751 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 25,9%). Tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư, với tổng số vốn 6.299 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến tháng 7/2016 là 199 dự án, với tổng vốn đầu tư 83.457 tỷ đồng.

Ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau đang quản lý và triển khai quy hoạch 4 KCN, trong đó có 2 KCN đã thành lập là KCN Khánh An và KCN Hòa Trung. Hai KCN mới vừa có quyết định thành lập là KCN Năm Căn và KCN Sông Đốc. Ngoài ra, KKT Năm Căn đang được đầu tư là một trong 16 KKT ven biển của cả nước, diện tích tự nhiên 11.000 ha là đầu mối trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau tham gia xúc tiến xuất khẩu tại Australia.

Với quy hoạch phát triển các KCN, KKT trên cùng thế mạnh, tiềm năng của tỉnh... thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Cà Mau tìm hiểu để thực hiện các dự án đầu tư. Lũy kế đến nay các KCN hiện có 26 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, vốn đăng ký 13.486 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau do Tồng Công ty Khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư với số vốn 10.525 tỷ đồng là dự án lớn nhất từ trước đến nay đăng ký đầu tư vào các KCN, KKT; dự kiến đầu năm 2017 đi vào hoạt động.

Cà Mau hiện đang triển khai dự án Cảng tổng hợp Hòn Khoai tại khu vực đảo Hòn Khoai. Đây là cảng nước sâu, có khả năng đón tàu có tải trọng lên đến 250.000 tấn. Dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh mà còn là cửa ngõ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng ra biển, góp phần giảm chi phí vận chuyển và nâng cao tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của vùng như: thủy sản, lúa gạo, trái cây.

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT của Cà Mau thời gian qua chưa đáp ứng kỳ vọng và tiềm năng của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng để hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Hoạt động ngoại vụ đạt kết quả đáng khích lệ

Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2015, Sở Ngoại vụ tỉnh Cà Mau đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao. Đây là tiền đề để các hoạt động đối ngoại của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, đạt kết quả đáng khích lệ.

Sở đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư của tỉnh Cà Mau, tổ chức 6 đoàn tham gia hội chợ và khảo sát thị trường kết hợp quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia, Nga và Hàn Quốc. Kết quả, đã ký kết được hơn 427 hợp đồng chủ yếu là mặt hàng thủy hải sản, với tổng giá trị gần 103 triệu USD; ký 167 bản ghi nhớ, gặp gỡ và làm việc với 643 lượt khách.

Đến tháng 7/2016, Cà Mau có 18 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang triển khai thực hiện dự án. Trong năm 2015, tỉnh đã tiếp nhận mới 13 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài, nâng tổng số khoản viện trợ đang triển khai thực hiện lên 26 dự án, tổng giá trị cam kết thực hiện các khoản viện trợ trên 4,6 triệu USD.

Hiện có khoảng 12.978 kiều bào là người Cà Mau đang định cư, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau xác định mục tiêu phát triển là phát huy tiềm năng, lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Phát triển kinh tế, đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng thân thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân từ 9% -10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng từ 3.200 đến 3.300 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34-35% GDP; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 7,5-8 tỉ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm;...

Đề xuất giải pháp, kiến nghị:

  • Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn trong việc triển khai thực hiện các chính sách về đối ngoại.
  • Bộ Ngoại giao cập nhật thường xuyên các chính sách về đối ngoại cũng như thông tin các đầu mối liên lạc về ngoại giao Việt Nam ở các nước, đặc biệt là lĩnh vực thương mại lên website của Bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên hệ trong quá trình làm việc.
  • Bộ Ngoại giao thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin cho tỉnh về các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam và cung cấp thông tin kịp thời về các tổ chức tiêu cực, hoạt động sai mục đích.
  • Bộ Ngoại giao quan tâm hỗ trợ cho Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức một số lớp nghiệp vụ về công tác ngoại vụ địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ ngoại vụ của tỉnh được tham gia các khóa đào tạo về kiến thức đối ngoại tại những địa phương khác. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Ngoại giao quan tâm hỗ trợ cho Cà Mau tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng về các chương trình đối ngoại theo tinh thần ý kiến của Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã thống nhất trao đổi với tỉnh trong chuyến công tác Cà Mau năm 2015.