Đó là quan điểm phát triển của Cà Mau được nêu rõ trong Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển khi là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km. Nơi đây vùng biển rộng lớn khoảng 80.000 km2 với 3 cụm đảo gần bờ là Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Mảnh đất này cũng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nguồn lợi thủy sản phong phú, diện tích nuôi tôm lớn nhất nước khoảng 300.000 ha. Theo đó, sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau cũng lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển khi là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km. (Nguồn: Cafe F) |
Trung tâm kinh tế biển quan trọng
Nhờ lợi thế kể trên, tỉnh dần trở thành là một trung tâm kinh tế biển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Hằng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Cà Mau; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.
Nối tiếp những thành công đó, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau dự báo vượt mốc 1 tỷ USD. Hiện toàn tỉnh có khoảng 280.000ha diện tích nuôi tôm, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước.
Trong đó, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là những sản phẩm chủ lực của tỉnh, với việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và chế biến đã nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Cà Mau hiện dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu tôm, khẳng định vị thế vững chắc trong ngành thủy sản.
Không chỉ thế, Cà Mau cũng nổi bật với phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và điện Mặt trời.
Vị trí 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển dài, tốc độ gió trung bình từ 6,3 đến 7,0 m/s đã giúp Cà Mau phát triển những lĩnh vực trên. Tổng số giờ nắng của tỉnh trên 2.200 giờ/năm; giờ nắng trung bình trên 5,0 giờ/ngày; lượng bức xạ trực tiếp cao, tổng nhiệt khoảng 9.500 đến 10.000 0C, bức xạ trung bình 4,82 KWh/m2/ngày.
Các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt tại các khu vực ven biển đã đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho khu vực và an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện mặt trời cũng đang được đẩy mạnh, không chỉ giúp giảm phát thải carbon mà còn tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Cà Mau dần trở thành là một trung tâm kinh tế biển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh) |
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng ven biển
Theo quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đảo là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu với bên ngoài, là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển, đảo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân tăng 7%/năm. Trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40 - 45% tổng thu ngân sách của tỉnh; nâng cao thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 3.320 USD giai đoạn 2021-2025 lên 4.500 - 4.700 USD giai đoạn 2025-2030.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Bên cạnh đó, tại các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có điện sinh hoạt, nước ngọt, trạm y tế, trường học và phương tiện vận tải đảm bảo kết nối từ đất liền với đảo hằng ngày…
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản từ 3,3 triệu tấn giai đoạn 2021-2025, tăng lên 7,1 triệu tấn vào năm 2030. Qua đó, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt từ 5,65 tỉ USD lên 7 tỉ USD trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Để hoàn thành mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo.
Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. (Nguồn: Vasep) |
Song song đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng tái cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm khai thác sang các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, ngành nghề du lịch, nuôi trồng thủy sản; đầu tư hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo...
Để thu hút đầu tư phát triển hệ sinh thái nuôi trồng và chế biến thuỷ sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đề xuất, địa phương cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, nhất là các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và các quỹ khuyến khích đầu tư công nghệ cao trong nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, Cà Mau cũng cần cải thiện thủ tục hành chính, đảm bảo quy trình đầu tư nhanh chóng, minh bạch và đơn giản hoá các quy định liên quan đến cấp phép hoạt động.