Nhỏ Bình thường Lớn

Cà Mau: Tạo môi trường thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo sức hút đầu tư cho Cà Mau, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển bền vững.
Trung tâm thành phố Cà Mau. (Nguồn: Hội nhà báo Cà Mau).
Trung tâm thành phố Cà Mau. (Nguồn: Hội nhà báo Cà Mau).

Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, tuy cách xa các trung tâm, thành phố lớn nhưng lại là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư khai thác, nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ hải sản… Tỉnh cũng đang tích cực triển khai nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư.

Là tỉnh trung tâm trong con đường giao thương trên biển của các nước Ðông Nam Á, Cà Mau nằm trên tuyến đường hành lang kinh tế ven biển phía Ðông và tuyến hành lang kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan, thuận tiện để giao thương, hợp tác quốc tế.

Trong đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Cà Mau sở hữu nhiều lợi thế mang đặc trưng riêng. Với chiều dài bờ biển hơn 254 km cùng hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, rộng hơn 96.000 ha, Cà Mau là được nhiều nhà đầu tư quan tâm đặc biệt, nhất là các lĩnh vực thế mạnh.

Tính chung từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút bảy dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.063,2 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 433 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 141.094 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 156,8 triệu USD). Các dự án tập trung ở các lĩnh vực như nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, năng lượng tái tạo, chế biến gỗ và du lịch sinh thái.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở tỉnh tăng mạnh. Sáu tháng đầu năm 2022 có 356 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 7.211 tỷ đồng; tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021 về số lượng và tăng gấp 4,5 lần về vốn đăng ký. Điều này cho thấy kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi sau đại dịch.

Thời gian tới, Cà Mau sẽ tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính vào những lĩnh vực lợi thế và mang lại giá trị cao, thân thiện với môi trường.

Trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau phấn đấu thu hút trên 200 dự án, giai đoạn 2026-2030 trên 400 dự án, định hướng đến năm 2030 thu hút trên 600 dự án với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm.

Lợi thế cạnh tranh

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giá đất, nhân công, sự phát triển cơ sở hạ tầng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chính là những yếu tố gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Cà Mau.

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Ngoài hai tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 63, trên địa bàn tỉnh còn hình thành thêm ba tuyến mới, là: đường quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và đường hành lang ven biển phía Nam. Hiện Cà Mau đang huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng, ưu tiên các dự án có tính liên kết, động lực như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); nâng cấp các tuyến đường vận tải đảm bảo kết nối với TP. Hồ Chí Minh…

Không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng quyết liệt cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử… phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng năm 2021, Cà Mau có thêm 369 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và sớm hạn đạt 99%.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cà Mau quan tâm thực hiện. Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp kết hợp xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng cường năng lực, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xúc tiến thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ...

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến; quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, mời gọi doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn; các câu lạc bộ khu công nghiệp, khu kinh tế… Kết nối, quảng bá trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương hiện đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả. Trong đó, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng mới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, địa phương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, như tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, khu đô thị sân bay Cà Mau, cảng Hòn Khoai và tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển)… Song song đó là tập trung triển khai đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai các dự án, Cà Mau luôn đồng hành, tạo mọi thuận lợi, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư. Đặc biệt là đối với công tác đào tạo nghề và giới thiệu lao động, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, tín dụng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống điện…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm tiếng nói chung.

Ðợt đại dịch Covid-19 trong năm 2021-2022 cho thấy rõ nhất những nỗ lực của tỉnh trong việc đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh đã được hỗ trợ kịp thời. Rà soát, triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Cà Mau tăng 11 bậc so với năm 2020, một sự bứt phá đáng kể của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Không chỉ vậy, tỉnh đang tăng cường triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá quy trình, thủ tục, thực hiện tích hợp công khai dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ 100%.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế và xã hội số…

Mục tiêu tỉnh đặt ra là rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với các giải pháp căn cơ trong chiến lược phát triển, nhất là trong việc huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp… Cà Mau sẽ trở thành điểm đến đáng tin tưởng cho các nhà đầu tư.

Cà Mau đã xây dựng Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xác định mục tiêu: cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; tăng nhanh số doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức…

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Kiến tạo tương lai, thu hút đầu tư, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Kiến tạo tương lai, thu hút đầu tư, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Ngày 20-21/10, Khu công nghiệp DEEP C phối hợp cùng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội thảo đầu tư “Kiến ...

EuroCham: Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài

EuroCham: Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài

Trong quý III/2022, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam giảm xuống 62,2 ...

Thủ tướng: Lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài

Thủ tướng: Lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng ...

Chuyển đổi số ở Cà Mau: Khẩn trương, quyết liệt và trọng tâm

Chuyển đổi số ở Cà Mau: Khẩn trương, quyết liệt và trọng tâm

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh (chiếm ...

Cà Mau tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư

Cà Mau tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư

Có lợi thế về vị trí địa lý, cùng tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nhanh và bền vững, tuy nhiên, ...