Còn nhớ năm 2018, 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La) khiến cả nước ngỡ ngàng khi lọt top đầu toàn quốc về số thí sinh có điểm thi môn toán đạt 9 điểm trở lên.
Mùa thi năm nay diễn ra khi câu chuyện nâng điểm vẫn còn trong sự hoài nghi của toàn xã hội. Nhờ sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của ngành giáo dục nêu cao tinh thần “cẩn tắc vô áy náy”, điểm thi của 3 tỉnh đã được trả về đúng với giá trị vốn có.
Dư luận từng sốc trước điểm số cao của 3 tỉnh một bước lên mây, giờ đây “ngã ngựa” và tuột dốc không phanh khi đội sổ ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tốp 10 tỉnh thành có điểm trung bình các môn thi thấp nhất luôn có mặt Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Ở môn toán, Sơn La xếp chót bảng 63 tỉnh thành; Hà Giang thứ 62; Hòa Bình thứ 61…
Ở khía cạnh nào đó, mùa thi năm nay đã an toàn và thành công. Nhưng nhìn lại, sau những tai tiếng mà đỉnh cao là gian lận thi cử năm ngoái, xã hội vẫn luôn trông đợi một kỳ thi mà ở đó, thí sinh và cả phụ huynh không phải “lên đồng” vì những áp lực, không phải lo lắng về sự công bằng, để kỳ thi trở nên nhẹ nhàng thực sự.
Biết rằng, đây là kỳ thi quan trọng, là cuộc thi sát hạch năng lực của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn độ vênh trong nhận thức của phụ huynh và xã hội trong việc thi cử. Phải chăng chính việc xã hội áp lực, căng thẳng với kỳ thi nên cả người học lẫn người dạy đều mệt mỏi, chỉ chạy đến cái đích: học để thi. Do vậy, để những kỳ thi tới trở nên nhẹ nhàng có lẽ cần bắt đầu thay đổi từ yếu tố văn hóa.
Tự khi nào, người ta đặt ra kỳ thi chính là thước đo duy nhất đánh giá năng lực, quyết định cho tương lai của bạn trẻ. Bởi thế, không chỉ thí sinh, phụ huynh mà cả xã hội bị cuốn theo khiến các em đi thi mà như “đánh trận”.
Trong khi đó, ở Mỹ, để tốt nghiệp phổ thông, học sinh chỉ phải làm một bài kiểm tra kiến thức tổng quát về Văn, Toán, Khoa học xã hội và tự nhiên. Điểm thi này cũng không phân loại giỏi, khá hay trung bình mà chỉ có hai khả năng: "qua" hoặc "không qua". Nếu rớt, các em có thể thi lại, do vậy áp lực thi cử gần như không đáng kể.
Kỳ thi SAT để xét tuyển vào đại học ở Mỹ chủ yếu để kiểm tra kỹ năng học tập, bởi kỹ năng mới là cái các em thật sự cần. Tất nhiên, không thể đem hình mẫu giáo dục của nước này áp đặt cho nước khác. Nhưng nhìn lại, phải chăng chúng ta nên từng bước thay đổi hệ giá trị, cách tổ chức thi cũng như cách nhìn nhận về một con người?
Đành rằng, thi cử là thước đo khảo sát không thể thiếu trong giáo dục nhưng thành công của một con người chưa chắc được quyết định bởi kỳ thi mà là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu dài lâu, bởi “đường dài mới biết ngựa hay”.
Thực tế, thành công có thể đo lường bằng số lượng người trên thế giới được hưởng lợi từ những giá trị mà chúng ta tạo ra cho cuộc sống. Giá trị đó có thể tiếp tục phát huy ngay cả khi người tạo ra nó không còn tồn tại nữa. Do đó, các bạn trẻ có thể đạt được thành công từ việc lựa chọn cho mình một con đường, một hướng đi riêng phù hợp để bản thân tạo ra được nhiều giá trị nhất. Để làm được điều đó trước tiên mỗi người phải hiểu chính mình.
Thời nay, với sự phát triển của Internet, các bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn, tìm ra hội học tập phù hợp nhất với mình. Có người vào đại học, có người lựa chọn học cao đẳng, học nghề hoặc săn tìm các học bổng du học nước ngoài.
Thị trường giáo dục đang ngày càng rộng mở và đại học không còn là con đường duy nhất, các bạn trẻ có thể gọi tên những ước mơ trong đời và bắt đầu hành trình chinh phục chính mình. Do vậy, một kỳ thi rình rang, tốn kém, đầy áp lực cho xã hội có còn quá quan trọng?