Toàn cầu hóa đang là một xu thế của thời đại và khó có thể đảo ngược. Bên cạnh một số hạn chế về mặt văn hóa, xã hội… nhiều quốc gia tích cực đón nhận xu hướng này để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cổ súy những tác động tích cực
Trong hai thập kỷ vừa qua, Indonesia vẫn chưa thực sự tham gia vào làn sóng toàn cầu hóa vốn đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Hiện Indonesia được xếp hạng thứ 108/140 quốc gia về chỉ số DHL kết nối toàn cầu, dùng để đo mức độ hội nhập của một quốc gia với nền kinh tế toàn cầu thông qua các dòng chảy thương mại, nguồn vốn, thông tin và con người. Thứ hạng này của Indonesia được duy trì trong nhiều năm liền và bị đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng như Singapore (2), Malaysia (19) và các nước đang phát triển lớn khác như Brazil (57), Trung Quốc (68) và Ấn Độ (78).
Lao động giá rẻ và thị trường tiêu thụ dồi dào giúp Indonesia thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Tribunnews) |
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo đã tích cực cổ súy những tác động tích cực của toàn cầu hóa cũng như tăng cường tính dân tộc chủ nghĩa trong việc hoạch định các đường lối, chính sách của mình. Một mặt, ông Widodo tích cực mời chào các doanh nghiệp nước ngoài với những chính sách ưu đãi. Mặt khác, Chính phủ Indonesia cũng đã có những cải thiện đáng kể về mặt hành lang pháp lý nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại đây. Chính phủ Indonesia đã ban hành tổng cộng 14 gói kích thích kinh tế tính từ tháng 9/2015 đến nay. Những biện pháp này đã giúp Indonesia tăng thêm 15 bậc về Chỉ số kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2015.
Trên diễn đàn quốc tế, Chính phủ Indonesia đã nhấn mạnh cam kết của mình để hội nhập toàn cầu và đã bày tỏ sự quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do của khu vực cũng như quốc tế. Indonesia đã kích hoạt lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Australia trong tháng 3 vừa qua và chính thức tiến hành các cuộc đàm phán thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 7/2016. Trong tháng 11/2016, Indonesia đã đề xuất ý tưởng thành lập khối thương mại tự do giữa ASEAN và liên minh Thái Bình Dương tại hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tăng cường nội lực
Song song với việc hội nhập kinh tế thế giới, Chính phủ của Tổng thống Widodo cũng tích cực thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường nội lực của nền kinh tế dựa trên các khía cạnh: Thứ nhất, ông Jokowi nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế tự túc. Chính xác hơn, chính phủ muốn giảm sự phụ thuộc nhập khẩu và tăng cường sản xuất trong nước đối với hàng loạt sản phẩm từ thịt bò đến điện thoại thông minh. Điều này đã dẫn đến việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan đối với nhu cầu nội địa.
Chính phủ Indonesia đã đặt các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm hàng đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như lĩnh vực công nghiệp. (Nguồn: Jakarta Post) |
Thứ hai, chiến lược phát triển kinh tế của ông Widodo mang nhiều đặc điểm của chủ nghĩa tư bản nhà nước tương tự một số nền kinh tế mới nổi khác. Chính phủ đã đặt các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm hàng đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như lĩnh vực công nghiệp. Chính phủ cho phép các doanh nghiệp này cung cấp và mở rộng các lĩnh vực kinh doanh của mình.
Thứ ba, Tổng thống Widodo đang củng cố quyền lực dựa trên việc phát triển các nguồn lực kinh tế của Indonesia. Chính quyền Widodo đã thực thi các biện pháp cứng rắn đối với các tàu thuyền nước ngoài bị buộc tội đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Kể từ cuối năm 2014 đến nay, Indonesia đã cho đánh chìm hơn 220 tàu thuyền các loại, một hành động đã khiến cho các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc có phản ứng rất mạnh.
Indonesia đang từng bước tiến tới hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, các bước đi của họ thể hiện có chiều sâu, không vội vàng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bị phản đối ở một số quốc gia phát triển. Cuộc khảo sát của Yougov cho thấy sự ủng hộ toàn cầu hóa của các nước phương Tây là yếu ớt, chỉ có hơn 50% người dân các nước Pháp, Mỹ và Anh tin rằng toàn cầu hóa là một xu hướng tốt.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Indonesia cần phải ghi nhớ rằng sự thành công của chiến lược phát triển kinh tế của mình phụ thuộc vào sự cân bằng giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ. Việc tham gia vào toàn cầu hóa mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển đất nước, nhưng việc duy trì và phát huy hiệu quả nội lực của nền kinh tế cũng sẽ giúp đất nước vượt qua được những khó khăn, trở ngại của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Để thực hiện được điều này, Chính phủ Tổng thống Widodo cần phải có chiến lược rõ ràng, có đội ngũ chuyên gia kinh tế biết nắm bắt tình hình quốc tế, khu vực cũng như nội tại nền kinh tế để có thể đưa ra những quyết sách phù hợp, giúp kinh tế đất nước duy trì đà tăng trưởng, ổn định xã hội.