📞

Các chủ nợ của Ukraine tìm lối thoát

15:35 | 08/04/2016
Tình hình nội bộ căng thẳng ở Ukraine đã khiến nước này đánh mất một trong những nhà cung cấp tín dụng quan trọng nhất – Quỹ đầu tư TCW.
Quảng trường Tự do ở thủ đô Kiev, Ukraine - Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), TCW là một trong bốn công ty đã triển khai các cuộc đàm phán dẫn tới việc tái cơ cấu khoản nợ 15 tỷ USD cho Kiev hồi năm 2015. Tháng Hai vừa qua, Quỹ đầu tư TCW đã bán hơn 3/4 trái phiếu Chính phủ Ukraine, chủ yếu là trái phiếu ngắn hạn. Sau đó, quỹ này đã giảm cổ phần của mình trong thu nhập từ các thị trường mới nổi từ 2,4% xuống còn 0,5%. Trong tháng Ba năm nay, quỹ này không tiến hành bất kỳ giao dịch nào.

Theo Công ty nghiên cứu Capitol Economics, sự rút lui của quỹ TCW khỏi thị trường Ukraine chính là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mất niềm tin vào khả năng chính phủ nước này có thể cải thiện tình hình kinh tế.

Khi bình luận về việc bán trái phiếu này, một quan chức của Ngân hàng Raiffeisen International AG nói: "Kiev có quá nhiều chính sách đáng thất vọng. Tôi không ngạc nhiên khi một số nhà đầu tư muốn rút lui khỏi đất nước này".

Cơ cấu lại các khoản nợ là một trong những điều kiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra để có thể tiếp tục cấp tín dụng cho Ukraine. Hiện nay, do sự tê liệt hoạt động của Chính quyền Kiev, các chương trình hỗ trợ của IMF đang bị đe dọa gián đoạn. Ukraine không thể nhận được khoản giải ngân lên tới 17,5 tỷ USD từ tháng 10/2015.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine. Ngay sau khi Bộ trưởng Kinh tế Aivaras Abromavicius từ chức, hai chính đảng cũng tuyên bố rút khỏi Liên minh cầm quyền, khiến Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk mất đi sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội.

Hiện tại, một vấn đề mới lại nảy sinh liên quan đến Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Poroshenko mới đây bị phát hiện nằm trong danh sách một loạt lãnh đạo trên thế giới sử dụng các công ty tài chính ở nước ngoài để trốn thuế và đang buộc phải đưa ra lời xin lỗi.

Tất nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều mất niềm tin vào khả năng vượt qua khủng hoảng của Kiev. Đại diện của Quỹ đầu tư Aberdeen (Anh) và Ngân hàng Jyske (Đan Mạch) khẳng định, họ sẽ không bán trái phiếu Chính phủ Ukraine với hy vọng các điều kiện để tiếp tục hỗ trợ tín dụng sẽ buộc chính phủ nước này tiến hành cải cách. 

Giám đốc Quỹ đầu tư Aberdeen Viktor Szabo nhận định: "IMF và sự hỗ trợ của phương Tây hiện là cách duy nhất để Ukraine vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu Ukraine muốn tránh khỏi vỡ nợ thì phải thực hiện các chương trình phát triển. Điều này chỉ có thể thực hiện với thiện chí và quyết tâm của Chính phủ". 

Cho tới nay, nhà đầu tư lớn nhất vào Ukraine - Quỹ đầu tư California Franklin Templeton hiện đang nắm giữ khoản nợ 7 tỷ USD của Ukraine - cũng không giảm số lượng trái phiếu Ukraine. Tuy nhiên, theo Bloomberg, đây là số liệu quý IV/2015. Các thống kê thời gian gần đây chưa có.

Về phần mình, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo về tình hình Ukraine rằng cuộc khủng hoảng tài chính có thể cản trở Kiev thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài 18 tháng qua. Trong khi đó, 15 nhà kinh tế của Bloomberg đã tiến hành khảo sát và giảm mức dự báo phát triển kinh tế của Ukraine xuống mức 1% so với mức 1,4% cách đây 3 tháng.

(theo Bloomberg)