📞

Các Đại sứ trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Ngoại giao 30

10:03 | 16/08/2018
Nhân dịp tham dự Hội nghị Ngoại giao 30, các đại sứ, nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đã có những chia sẻ tâm huyết về Nghề. TG&VN xin trân trọng giới thiệu...

Đại sứ - vai trò chuyển tải

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi

Hội nghị lần này diễn ra đúng vào dịp chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 73 năm cách mạng tháng 8 thành công cũng là 73 năm trưởng thành và phát triển của ngoại giao Việt Nam. Tôi kỳ vọng, dịp này, các nhà ngoại giao Việt Nam cùng nhìn nhận, đánh giá lại việc chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII trong hơn 2 năm vừa qua, kiểm điểm, đánh giá lại tình hình thế giới có gì khác so với 2 năm trước. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng định ra rõ hơn đường hướng đối ngoại trong thời gian tới và đề ra, tham mưu lên trên thông qua đường lối đối ngoại phù hợp hơn, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Đương nhiên dịp này chúng tôi cũng sẽ thảo luận sâu hơn về các vấn đề an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của Việt Nam trong đó có vấn đề biển Đông.

Về vai trò, nhiệm vụ đại sứ của Việt Nam tại các nước, trong đó có Trung Quốc, tôi cho rằng nhiệm vụ chính là làm sao để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước được phái cử đến, thông qua đó tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước và củng cố quan hệ với các bên.

Với vai trò Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, tôi ý thức được rằng vai trò quan trọng nhất của mình là làm cầu nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, làm sao chuyển tải chính xác nhất tới các lãnh đạo Trung Quốc, các bộ, ngành và người dân Trung Quốc chủ trương, đường lối nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Thứ hai là tìm kiếm những cơ hội tốt nhất để mở rộng hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học, thương mại đến giao lưu nhân dân. Thứ ba là bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước Việt Nam. Thứ tư là bảo vệ hỗ trợ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ các lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, các tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài.

Sức mạnh của Ngoại giao đồng hành

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga

Ngoại giao chính trị sẽ là câu chuyện lớn của Hội nghị Ngoại giao lần này. Chúng ta đang ở giai đoạn không chỉ chuyển đổi nhanh chóng, sâu sắc mà có thể nói là một bước ngoặt toàn bộ của cục diện thế giới, của các mối quan hệ và cả sức mạnh của các nước. Tình hình đang thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Đây là sự thay đổi căn bản do tác động của ba nhân tố diễn ra đồng thời, bao gồm: công nghệ số, sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á và toàn cầu hóa. Ngoại giao chính trị đang ở chu kỳ phát triển mới của thế giới, đặt ra yêu cầu rất lớn cho ngành ngoại giao và các cán bộ ngoại giao tại Hội nghị lần này là làm thế nào tận dụng được chu kỳ phát triển mới này, làm lợi cho đất nước.

Ngoại giao đồng hành có lẽ là cần thiết hơn bao giờ hết. Khi tình hình thế giới thay đổi, các mối quan hệ thế giới thay đổi, chúng ta cần phải có một sức mạnh lớn hơn. “Đoàn kết- đại đoàn kết, thành công- đại thành công” lại càng đúng, nhất là trong giai đoạn mới. Hợp tác quốc tế hiện nay mang tính liên ngành và đa ngành. Ba trụ cột của ngoại giao: chính trị-an ninh, kinh tế-phát triển và văn hóa phải đồng hành để tạo nên sức lan tỏa rộng lớn.

Ngoại giao đồng hành hiện nay bao gồm không chỉ các lực lượng làm đối ngoại mà còn có ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao Quốc hội, đặc biệt là ngoại giao nhân dân. Theo đó, cần phải có sự tham gia, phát huy của các giới, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên và phụ nữ, để tạo nên sức mạnh năng động của thời đại hiện nay.

Đã đến lúc doanh nghiệp cần kết nối lại

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh

Từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và hiện tại là Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, tôi cảm thấy thị trường Campuchia lại thuận lợi hơn nhiều so với thị trường Anh. Mặc dù còn nhiều hạn chế về môi trường kinh doanh, nhưng cơ hội phát triển kinh doanh có lợi nhuận tại Campuchia rất cao.

Khi mới sang nhận nhiệm vụ, tôi nhận thấy sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh. Campuchia là địa bàn mà phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực quan trọng như viễn thông, ngân hàng, sản xuất, chế biến, nông nghiệp đều có mặt. Việt Nam đang đứng trong tốp 5, 6 những nước đầu tư vào Campuchia. Nhưng rất tiếc, hiện vẫn chưa có một tổ chức nào để liên kết các doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ hỗ trợ nhau. Ở những địa bàn mà tính cạnh tranh ngày càng cao ở khu vực như Campuchia thì việc có một tổ chức như vậy là rất quan trọng.

Vừa qua, chúng tôi đã trao đổi với hơn 20 doanh nghiệp của Việt Nam từ trong nước sang và doanh nghiệp Việt kiều đang rất thành đạt ở nước bạn để thống nhất lại rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần kết nối lại, trước mắt thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia trong khi chờ làm thủ tục để lập Hiệp hội doanh nghiệp – một pháp nhân chính thức ở Campuchia. Câu lạc bộ có cơ cấu chặt chẽ với điều lệ chỉ rõ mục tiêu là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam đang có mặt tại Campuchia; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mới chuẩn bị tiếp cận thị trường.

Khó khăn hiện tại phải kể đến việc Campuchia là nước đang phát triển, còn trong quá trình chuyển đổi và xây dựng các khuôn khổ pháp lý với nhiều chính sách đang thay đổi từng ngày. Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nghiệp chúng ta nắm bắt được những thay đổi đó. Do vậy, tôi mong muốn một cơ chế cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về địa bàn cũng như tình hình kinh tế xã hội của sở tại. Đại sứ quán đã mở đường dây liên lạc 24/24, xây dựng trang mạng xuất khẩu vào Campuchia và kết nối với các doanh nghiệp thông qua các đầu mối liên lạc. Khó khăn tiếp theo là hệ thống trọng tài kinh tế của nước bạn chưa phát triển, quá trình giải quyết xung đột thương mại thường kéo dài, vì vậy, cần có sự tư vấn, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nhau.

Giá trị văn hóa là niềm tự hào

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu

Từ Hội nghị Ngoại giao lần này, tôi có thể chuẩn bị cho mình một hành trang cho hành trình sắp tới khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ. Trước hết là việc bám sát vào 8 chỉ đạo của Tổng Bí thư, sau đó là gặp gỡ trưởng các cơ quan đại diện để chia sẻ kinh nghiệm đối ngoại và công tác quản lý sứ quán.

Dịp này, tôi cũng có cơ hội lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, xem họ quan tâm như thế nào tới địa bàn Ấn Độ. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng dành thời gian nghiên cứu về Ấn Độ, gặp những người yêu văn hóa Ấn và hy vọng có thể xuất bản một cuốn sách về văn hóa đất nước này.

Về Ngoại giao văn hóa, tôi cho rằng, Ngoại giao văn hóa nhằm vào những đối tượng sau: Các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, những người nước ngoài nói chung ở Việt Nam, Việt kiều ở nước ngoài. Nhiệm vụ lớn nhất của Ngoại giao văn hóa là giúp cho những đối tượng trên hiểu đúng, hiểu rõ về đất nước, con người Việt Nam, và ủng hộ Việt Nam. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là quảng bá hình ảnh đất nước của Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai rất tích cực Ngoại giao văn hóa tại tất cả 95 cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài. Ngoại giao văn hóa trở thành một bộ phận không thể thiếu và không thể tách rời của công tác đối ngoại Việt Nam.

Tôi cho rằng, giá trị văn hóa là niềm tự hào của chúng ta, khi chúng ta giới thiệu cho thế giới thì nó trở thành một phần của thế giới. Thế giới phải cảm ơn chúng ta vì có chúng ta thì bức tranh văn hóa mới phong phú đến thế. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị văn hóa có thể thấm nhuần vào trong Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế. Trước đây, văn hóa phục vụ kinh tế hay phục vụ chính trị đều đã có, nhằm kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta, thúc đẩy du lịch, xóa đói giảm nghèo... Nhưng bây giờ, theo tôi, chúng ta nói đến bất kỳ chủ đề nào cũng cần bắt đầu từ văn hóa như lời phát biểu của lãnh đạo cũng nên bắt đầu bằng một câu ca dao hay một câu chuyện. Văn hóa đi vào cả trang phục, quà tặng cũng là cần thiết. Gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng Nhật Hoàng một cây đàn violon có xuất xứ từ phương Tây nhưng do một nghệ sĩ Việt Nam sản xuất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, cây đàn này còn được kéo tại sự kiện Nhật Hoàng tới Đại sứ quán tham dự lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt – Nhật.