Nhỏ Bình thường Lớn

Các làng nghề Hà Nội sôi động vào dịp cận Tết Nguyên đán

Những ngày này, người dân ở làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) và Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Hà Nội tất bật với việc làm bánh chưng và làm hương truyền thống để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các làng nghề Hà Nội sôi động vào dịp cận Tết Nguyên đán
Người dân tại làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, phơi tăm hương chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Làng hương trăm tuổi hối hả vào vụ cuối năm

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km, làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) được biết đến với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm. Nghề làm hương tại Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm nhưng sôi động hơn cả vào những tháng cận Tết.

Thời điểm này, một số hộ gia đình đã bắt đầu sản xuất hương với số lượng nhiều để chuẩn bị cung ứng cho dịp Tết, vừa phục vụ du khách tham quan. Ngay từ đầu làng, màu đỏ rực của chân hương thu hút ánh nhìn của bất kì du khách nào ghé thăm. Những bó tăm hương đỏ rực như những bó hoa lớn, được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình... báo hiệu Tết đang đến gần.

Trong các xưởng sản xuất, những người thợ với đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều rất thành thạo. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, tiếng nói chuyện rì rầm lẫn trong mùi ngai ngái của chân hương tạo nên ấn tượng đặc biệt của làng nghề.

Gia đình bà Lê Thị Hòa (Quảng Phú Cầu, Ứng Hoà) đã làm hương tăm truyền thống hơn 40 năm và là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm chân hương bằng phương pháp thủ công. Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu. Theo bà Hòa, nguyên liệu chính để làm ra chân hương là cây vầu. Vầu được dùng làm chân hương phải đủ độ tuổi và được chọn lựa kỹ càng. Theo thông lệ, cứ đến tháng 10 Âm lịch hàng năn là bắt đầu có đơn đặt hàng, đó cũng là thời điểm gia đình bà Lê Thị Hòa bắt đầu “chạy nước rút”.

Hiện nay, đến với Quảng Phú Cầu, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm hương mà còn được chụp ảnh bên những bó tăm hương như những bó hoa với đủ màu sắc sặc sỡ. Để phục vụ du lịch và tạo không gian cho du khách có những bộ ảnh check-in đẹp đón Tết, một số xưởng sản xuất đã mở rộng sản xuất tăm hương với nhiều màu sắc. Chủ các xưởng sản xuất “bắt trend”, thường xuyên xếp các bó tăm hương theo ý nghĩa của từng dịp lễ. Như vào dịp Noel có tăm hương hình cây thông; dịp Quốc khánh có tăm hương hình 2/9.

Bánh chưng Thanh Khúc nhộn nhịp phục vụ Tết

Cùng hối hả phục vụ Tết như Quảng Phú Cầu, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc cũng chạy đua với thời gian để sản xuất bánh. Bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi, chủ một cơ sở gói bánh chưng) tại làng Tranh Khúc cho biết: "Nếu không tính dịp Tết thì ngày bình thường gói từ 300 đến 500 cái/ngày, dịp cận Tết Nguyên đán thì từ 1.000 cái đến 3.000 cái, thậm chí đến cả 1 vạn cái. Gói bánh chưng là nghề và phải gói nhanh thì mới kịp phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trên cả nước".

Phong vị Tết ở làng nghề Hà Nội
Người dân làng Tranh Khúc lại tất bật chạy đua với thời gian để kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh: Trung Nguyễn)

Với khoảng sân rộng gần 100m2, xưởng bánh chưng Phong Sơn những ngày cận Tết, sân bày đồ chật kín từ đầu cổng vào đến cuối sân, nơi để lá, chỗ để gạo, xếp bánh... tấp nập người tước lá, người gói bánh.

Anh Nguyễn Văn Sơn (chủ xưởng bánh chưng Phong Sơn - Đội 1) chia sẻ, bây giờ việc nấu bánh chưng không còn vất vả như ngày xưa nữa nên năng suất, sản lượng bánh làm ra cũng được cải thiện hơn rất nhiều.

Ngày xưa nấu nồi củi thì phải có người ngồi trông suốt từ khi bắt đầu nấu đến khi xong để canh lúc nào hết nước, hết củi thì thêm vào nếu không bánh sẽ không chín. Bây giờ, nghề bánh chưng Tranh Khúc đã đầu tư nồi inox cỡ lớn nấu bằng điện. Đặc điểm của loại nồi hơi này là kích thước lớn có thể chứa được tới 800 bánh/ nồi to, nồi nhỡ khoảng 600 bánh, còn nồi nhỏ nấu được khoảng 400 bánh. Bánh được nấu bằng nồi hơi sẽ chín đều, các mặt, nhừ mà vẫn giữ được độ thơm ngon, béo ngậy của bánh. Hơi nước được giữ trong nồi nên người nấu không cần quá lo về việc thêm nước hay bánh bị sống, bị sượng.

Người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đến nay vẫn duy trì công việc một cách ổn định, mặc dù có lúc số lượng người sản xuất nhiều lên, có thời gian sẽ ít đi nhưng chất lượng, hương vị bánh vẫn được nguyên vẹn và có phần ngon hơn theo năm tháng.

Tết đang đến rất gần, các làng nghề không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, mà còn mang đến nét đẹp văn hoá với những sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng miền mỗi dịp đón Xuân về.

Tết Dương lịch 2024: Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động các phố đi bộ quận Hoàn Kiếm

Tết Dương lịch 2024: Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động các phố đi bộ quận Hoàn Kiếm

Tối 25/12, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có thông báo về việc kéo dài thời gian hoạt động các không gian đi bộ ...

Hà Nội đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch dịp Tết Dương lịch

Hà Nội đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch dịp Tết Dương lịch

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023 -1/1/2024), ước tính khách du lịch đến Hà Nội ...

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của học sinh Hà Nội

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của học sinh Hà Nội

Học sinh Hà Nội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày, từ ngày 7/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức là từ ngày 28 tháng ...

Đêm giao lưu nghệ thuật quốc tế Chào năm mới 2024: Kết nối và lan tỏa tình yêu Hà Nội

Đêm giao lưu nghệ thuật quốc tế Chào năm mới 2024: Kết nối và lan tỏa tình yêu Hà Nội

Giao lưu nghệ thuật quốc tế Chào năm mới 2024 là dịp quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa ...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc Tết nhân dân và Bộ đội Biên phòng tại Nghệ An

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc Tết nhân dân và Bộ đội Biên phòng tại Nghệ An

Chủ tịch nước lưu ý lực lượng Biên phòng phải nâng cao cảnh giác, nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn hiệu ...

(theo Kinh tế & Đô thị)