Khi nói chuyện với người Anh, bạn không nên chỉ đơn giản hiểu nghĩa gốc của từ ngữ mà phải cố gắng nắm bắt “ý tại ngôn ngoại” trong từng câu chữ. (Nguồn: Shutterstock) |
Chuộng cách nói gián tiếp
Khác với người Mỹ, người Anh không có thói quen thẳng thắn chia sẻ những gì mình nghĩ mà thường nói giảm nói tránh với nhiều ẩn ý sâu xa. Người Anh thích dùng cách nói vòng vo này để hạn chế mọi xung đột có thể xảy ra trong quá trình giao tiếp và đảm bảo cuộc hội thoại luôn diễn ra trong bầu không khí lịch sự như mong muốn.
Vì lý do này nên khi nói chuyện với người Anh bạn không nên chỉ đơn giản hiểu nghĩa gốc của từ ngữ mà phải cố gắng nắm bắt “ý tại ngôn ngoại” trong từng câu chữ để tránh hiểu lệch, hiểu sai.
Không thích gây hấn với người khác
Người Anh có xu hướng tránh “gây thù chuốc oán” với người khác bằng mọi giá ngay cả khi họ không hài lòng hoặc cảm thấy khó chịu. Khi gặp phải những tình huống có nguy cơ xảy ra xung đột không thể tránh thì họ vẫn chọn cách nói mang hàm ý tích cực nhất có thể để không làm bất kỳ ai tổn thương.
Mặc dù không thích gây hấn với ai nhưng không có nghĩa người Anh không bao giờ để bụng khi bị người khác đối xử bất công hoặc khiếm nhã. Vì người Anh luôn tỏ ra nhã nhặn trong mọi trường hợp nên bạn sẽ rất khó để biết câu gì bạn nói làm họ khó chịu hoặc điều gì bạn làm khiến họ phiền lòng.
Không tâng bốc bản thân
Người Anh hiếm khi đề cao bản thân trong trò chuyện hằng ngày mà ngược lại còn cố tình đánh giá thấp chính mình để thể hiện sự khiêm tốn, thật thà và thực tế như một phép lịch sự.
Khi nói chuyện với người Anh, bạn cũng không nên cho rằng mình luôn đúng hoặc thể hiện cái tôi quá đà mà hãy cho họ thấy bạn là một người vẫn có thiếu sót cần cải thiện để gây được thiện cảm.
Mặc dù người Anh luôn tỏ ra khiêm tốn nhưng không vì thế mà bạn có thể thoải mái hùa theo những nhận định không hay của họ về bản thân vì đó sẽ trở thành hành động xem thường người khác.
Nói đùa châm biếm
Đối với những đề tài khó nói nhưng không thể tránh né, người Anh thường chọn cách nói đùa để bộc lộ suy nghĩ.
Kiểu nói đùa của người Anh thường không mang tính xúc phạm sâu cay mà chỉ có sự châm biếm nhẹ nhàng đủ để đối phương hiểu vấn đề nhưng không cảm thấy quá khó chịu.
Người Anh nói đùa rất tinh tế và thường xuyên nên sẽ có lúc bạn cảm thấy hoang mang vì không rõ đó là lời nói đùa vô hại hay là một sự thật được bọc dưới lớp áo pha trò. Đôi lúc bạn sẽ khó tránh khỏi việc thấy bị xúc phạm vì câu nói đùa mang tính châm biếm dù có nhẹ nhàng đến đâu thì về cơ bản vẫn là một lời chế nhạo.
Hạn chế biểu lộ cảm xúc
Trong quá trình nói chuyện, người Anh hiếm khi bộc lộ cho đối phương biết cảm xúc thật của mình thông qua nét mặt.
Theo quan điểm của người Anh, thể hiện cảm xúc cá nhân là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc và kém lịch sự trong cuộc sống. Bạn có thể sẽ lấy làm lạ khi người Anh vẫn có thể giữ một nét mặt nghiêm trang và bình thản trong lúc đang nói đùa nhưng từ từ bạn sẽ phải tập làm quen dần với điều đó.
| Nói chuyện như thế nào để thể hiện phép lịch sự xã giao? 'Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau', cách nói chuyện là phép lịch sự xã giao cơ bản ... |
| Bạn đã biết cách giới thiệu và tự giới thiệu để tạo ấn tượng tốt đẹp? Trong giao tiếp, việc giới thiệu và tự giới thiệu là điều cơ bản đầu tiên để làm quen hoặc thiết lập mối quan hệ ... |