TIN LIÊN QUAN | |
Balkan “bế tắc” khi Slovenia hạn chế nhập cảnh | |
Balkans của thế kỷ 21? |
leksa Konstantinov là một trong những sinh viên Serbia tốt nghiệp xuất sắc năm nay. Tuy nhiên, giống như nhiều thanh niên khác ở khu vực Balkan, anh lập tức đầu quân cho một trường Đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Nhà thần kinh học Bosnia Sanina Babic Ribic nói rằng, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết để xin được việc làm. Ba năm trước đây, cô chuyển tới Đức để làm việc và hiện kiếm được mức lương gấp bốn lần lương ở Bosnia.
Thị trấn Split ở Croatia với các danh thắng du lịch nổi tiếng nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao. (Nguồn: DW) |
Đây chỉ là hai trong số hàng chục ngàn thanh niên Balkan đã rời bỏ quê hương đến quốc gia khác lập nghiệp do tình trạng thất nghiệp, tham nhũng và mức lương thấp ở quê nhà. Họ tìm kiếm các cơ hội tốt hơn ở Tây Bắc Âu hay Mỹ.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2016 - 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Serbia đứng thứ 137/138 quốc gia về "khả năng giữ nhân tài". Bosnia được xếp hạng 134 và Croatia là 132, trong khi Albania và Macedonia cũng ở gần mức độ tương tự.
Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Giáo dục công dân Montenegro, một nửa trong số những người trẻ tuổi muốn rời khỏi đất nước nhỏ bé này (dân số chỉ khoảng 620.000 người). Nghiên cứu cho thấy, hầu hết những người rời bỏ đất nước đều là những người có năng lực và nhiều triển vọng.
Tìm tương lai bên ngoài đất nước
"Các trường đại học ở Mỹ và Anh cung cấp nhiều cơ hội hơn", Konstantinov, 19 tuổi, nhận định. Konstantinov hiện là sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ.
Năm ngoái, 58.000 người rời Serbia - một con số kỷ lục - hơn gấp đôi mức trung bình hàng năm từ năm 2004 đến năm 2013 (khoảng 26.000 người), theo Vladimir Grecic, một chuyên gia nhập cư và là giáo sư Đại học Belgrade.
Croatia là một quốc đảo với nhiều bãi biển đẹp, với thành phố đá cổ xưa cùng nhiều thắng cảnh du lịch khác, nhưng lại có tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-24 thất nghiệp rất cao. Việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013 tạo điều kiện cho các thanh niên đổ về Đức, điểm đến ưa thích của họ. Điểm đến ưa thích thứ hai của họ là Anh.
Ở Macedonia, "khoảng 85% sinh viên đại học năm cuối nói rằng họ nhìn thấy tương lai của họ ở các quốc gia khác", theo một báo cáo của chính phủ nước này.
Bán đảo Balkan là một vùng địa lý thuộc phía Đông Nam châu Âu rộng khoảng 550.000km² với 55 triệu cư dân. Các quốc gia sau đây thường được xem là thuộc bán đảo Balkan: Albania, Bosna và Herzgovina, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ. |
Kosovo là một trong những quốc gia gặp nhiều khó khăn nhất trong khu vực Balkan: một nửa dân số ở độ tuổi dưới 28, nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức gần 60%. "Không chỉ tôi mà tất cả những thanh niên Kosovo đều nghĩ đến việc tạo lập sự nghiệp của mình ở nước ngoài", Blerim Cakolli, một người bồi bàn đã tốt nghiệp cao học ngành luật ở thủ đô Pristina, nói.
Cakolli (31 tuổi) cho biết, anh đã tìm được một công việc trong ngành pháp lý từ cách đây hơn 4 năm. "Việc thiếu cơ hội cho thanh niên khiến họ sẵn sàng ra đi và làm cho đất nước của chúng tôi càng trở nên khó khăn", anh nói.
Tại khu vực này, những người có khả năng đi tìm việc làm ở quốc gia khác nhiều nhất là nhân công làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Babic Ribic, nhà thần kinh học 37 tuổi, hiện đang làm việc tại thị trấn Paderborn phía Đông Bắc của Đức, cho biết: Một trong những đồng nghiệp Bosnia của cô trả 5.000 Euro tiền hối lộ để có được một công việc ở bệnh viện Đại học Sarajevo. "Tôi không có khả năng đó, về mặt tài chính cũng như đạo đức", cô nói với AFP.
Mong mỏi cơ hội trở về
Tại khu vực Tuzla, phía Bắc của Bosnia, Trung tâm thông tin Alphabet tổ chức các cuộc họp hai lần mỗi tháng, giữa các nhà tuyển dụng nước ngoài và người dân địa phương đang tìm kiếm việc làm. Mersudin Mahmutbegovic, người đứng đầu của Trung tâm, cho biết, Đức đã ký kết một hiệp định với các nước Balkan, bao gồm Bosnia, cho phép tuyển dụng đến 250.000 nhân viên y tế từ các nước trong khu vực Balkan cho đến năm 2020.
Số thanh niên vùng Balkan rời bỏ quê hương tăng ở mức kỷ lục. (Nguồn: AFP) |
Trong tình trạng thiếu hụt các bác sĩ và y tá, giới chức Đức nhận thấy người lao động Balkan "linh hoạt và đáng tin cậy", Mahmutbegovic nói. Họ đang tìm cách rời bỏ đất nước do ở đất nước của họ “thiếu việc làm, tiền lương thấp và ít khả năng phát triển nghề nghiệp", giáo sư Đại học Albania Gazmend Goduzi, đồng tác giả nghiên cứu về sự di cư nhân viên y tế từ Tây Balkan, cho biết.
Các quốc gia vùng Balkan dường như đang trong một vòng tròn luẩn quẩn: Trong khi các thanh niên tài năng rời đi vì nền kinh tế yếu kém thì điều đó cũng làm cho nền kinh tế của quê hương khó khăn hơn.
Theo báo Đức DW, ước tính, Serbia mất khoảng 12 tỷ Euro kể từ đầu những năm 1990 - khi Nam Tư tan rã và rơi vào xung đột - do sự ra đi của những người trẻ được giáo dục tốt, đặc biệt là các nhà khoa học và các kỹ sư kỹ thuật. Truyền thông châu Âu thường gọi những người di cư từ các nước Balkan sang các nước Tây Âu là hiện tượng di cư kinh tế. Bên cạnh những thanh niên có học thức, nhiều thanh niên nghèo vùng Balkan còn hòa vào dòng người tị nạn đến từ các nước ở các khu vực xung đột như Syria, Libya để tìm cách nhập cư vào châu Âu, dẫn đến nhiều hệ lụy chính trị, xã hội ở các quốc gia châu Âu.
Thanh niên, lực lượng lao động chính yếu ở các quốc gia Balkan rời bỏ đất nước gây ra nhiều vấn đề cho chính các doanh nghiệp ở đây. Ở Albania, doanh nhân Alan Zuzi cho biết, công ty đánh bắt thủy sản của ông ở thị trấn phía Bắc Lezha gần như đã đệ đơn xin phá sản vào năm 2015 sau khi 60% nhân viên của mình di cư ra nước ngoài.
Tuy vậy, không phải những thanh niên rời bỏ quê hương đều không muốn trở về. Sinh viên MIT Konstantinov nói rằng, những người trẻ tuổi sẽ chỉ ở lại quê hương nếu mức sống và triển vọng việc làm cải thiện. "Tôi rất muốn một ngày nào đó được trở về Serbia và tìm được việc làm vì đó là quê hương của tôi”.
Định hướng kỹ năng sống cho thanh niên Việt Nam Đây là một trong những trọng tâm hợp tác giữa Trung tâm giao lưu Văn hóa và hợp tác Quốc tế (CCIC) và Đoàn thanh ... |
Cơ hội công bằng cho mọi trẻ em Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đầu tư vào những trẻ em thiệt thòi nhất là quyết định mang tính chiến lược và ... |
Quan chức Balkan “khẩu chiến” trước khủng hoảng di cư Áp lực giải quyết hàng trăm ngàn người tị nạn đang gây ra sự chia cắt sâu sắc giữa các nước Đông Âu - gợi ... |