Buổi Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của khoảng 300 đại biểu đại diện lãnh đạo, các ban trong Liên hiệp, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền hình trong và ngoài nước. Diễn giả tham gia buổi chia sẻ thông tin có PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (Viện Biển Đông), TS. Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao Việt Nam), PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nhà bình luận về quan hệ quốc tế và Luật sư Lê Thanh Sơn.
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về lịch sử, khía cạnh pháp lý cũng như các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trình bày “vấn đề lịch sử và những diễn biến gần đây trên Biển Đông”, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng khẳng định hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đi ngược lại Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tuyên bố DOC. Luật sư Lê Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm khi giải thích Công ước Luật Biển năm 1982. Họ biến những vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Ông khẳng định: “Vùng đặt giàn khoan không phải là vùng có tranh chấp bởi nó hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã chỉ ra những sai trái trong các lập luận do phía Trung Quốc đưa ra như vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); vị trí đặt giàn khoan không phải thuộc vùng biển Tây Sa của Trung Quốc mà thực chất là thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII. Bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng chỉ ra rằng, đảo Tri Tôn chỉ là cồn cát và không có thềm lục địa theo quy định của UNCLOS. Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực. Hơn nữa, Trung Quốc vi phạm quyền tự do hàng hải, vi phạm DOC và các thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Theo PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – người đã có 32 năm nghiên cứu về Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An, “Những lần trước đây, Việt Nam đã không phản ứng tương xứng với những hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng lần này thì khác". Ông Lê Văn Cương cho rằng, người Việt Nam với tinh thần hòa hiếu sẽ vẫn kiên trì dùng mọi biện pháp hòa bình và đấu tranh ngoại giao để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu như giả sử tình hình căng thẳng phải dùng đến biện pháp quân sự thì theo ông,Việt Nam vẫn có thể vững vàng bởi có 3 sức mạnh “Đạo lý – Pháp lý và Tinh thần”.
Kết thúc buổi Tọa đàm, các diễn giả đều nhất trí cho rằng hành động xâm phạm của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại. Tại đây, nhiều đại diện đến từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và nhận định, Trung Quốc cần rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế và Tuyên bố DOC.
P.T