Từ khi Anh đứng dậy
Trái đất bắt đầu cười
Và loài người, từ đấy
Ca bài ca Tháng Mười!
Những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu đã phần nào nói lên được sức sống lan tỏa của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB. Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov đã trò chuyện cùng TG&VN về ý nghĩa của dấu mốc lịch sử vĩ đại này cũng như tác động của nó tới mối quan hệ Nga - Việt.
Ý nghĩa sống còn với lịch sử
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nước Nga và thế giới đương đại. Đây là một thực tế không thể chối cãi, mà tất cả các lực lượng chính trị, các dòng tư tưởng ở Nga, cũng như ở các nước khác đã thừa nhận.
Kỷ niệm cách mạng tháng Mười là một sự kiện trọng đại ở nước Nga. (Ảnh: Russia Today) |
Vì vậy, mối quan tâm đặc biệt của công chúng Nga và quốc tế tới việc kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười sắp tới là hoàn toàn dễ hiểu và rõ ràng. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là lời nói của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp hàng năm gửi Quốc hội Liên bang tháng 12 năm ngoái. Thông điệp nhấn mạnh rằng năm 2017, nước Nga cần một lần nữa xem xét nguyên nhân và bản chất đích thực của cuộc cách mạng ở Nga. Những bài học lịch sử này cần để hòa giải, tăng cường sự đồng thuận xã hội, chính trị và dân sự.
Đáng chú ý, vào cuối năm ngoái, Tổng thống Putin đã thành lập Ban Tổ chức thuộc Hiệp hội lịch sử Nga nhằm tổ chức một loạt các sự kiện quan trọng kỷ niệm 100 năm Cách mạng năm 1917, cuộc cách mạng đã làm thay đổi căn bản toàn thế giới và có tầm quan trọng sống còn trong lịch sử ngàn năm của nước Nga.
Bất cứ ai đánh giá các sự kiện cách mạng một cách trung thực và khách quan đều có thể đưa ra kết luận như vậy. Kết quả chính của những sự kiện này là sự ra đời của Liên Xô. Liên Xô cũ trên thực tế không chỉ là một nhà nước, mà là cả một kỷ nguyên, di sản của nó đến nay vẫn có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội và phát triển kinh tế-chính trị đương đại.
Nền móng cho phát triển
Liên Xô đã giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ quốc gia quan trọng nhất của đất nước chúng tôi, đặt nền móng cho sự phát triển hiện tại và tương lai đất nước. Sau Cách mạng tháng Mười, ở đất nước chúng tôi, quá trình tạo dựng xã hội mới với sự đổi mới cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa đã diễn ra với cường độ nhanh chóng và hơn nữa nhân dân đã trở thành động cơ chính của cách mạng. Nếu không phải là cách mạng, nguồn năng lượng mạnh mẽ ấy khó có thể được sử dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, mà Lênin vĩ đại đã vạch ra cho nhân dân lao động toàn thế giới, cho các dân tộc bị áp bức và cho cả loài người tiến bộ đi đến thắng lợi hoàn toàn”; “Nhờ thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, nhờ sự hình thành và phát triển của phe xã hội chủ nghĩa, nhờ sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, hiện nay hàng trăm triệu nhân dân trên thế giới, trước kia là những nô lệ quằn quại dưới gót sắt của bọn thực dân, nay đã giành được tự do, độc lập”. |
Vào thời kỳ này, đất nước chúng tôi đã trải qua giai đoạn lịch sử hiện đại hóa công nghiệp cần thiết, chuyển đổi từ một cường quốc nông nghiệp và nông thôn thành công nghiệp và đô thị, xóa bỏ tình trạng tụt hậu trước các nước phát triển hơn trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và tạo ra các ngành đột phá đối với toàn thể nhân loại như vũ trụ và năng lượng hạt nhân, chúng tôi đã trở thành người tiên phong trên thế giới.
Ở đất nước bị tàn phá bởi Thế chiến thứ Nhất, các quyền tự do, vốn chỉ mới bắt đầu được xem xét ở các nước phát triển hơn, được tuyên bố. Đó là quyền bầu cử phổ thông cho người lao động, tự do tư tưởng và bình đẳng giới. Nhiều biện pháp được thực hiện để bảo vệ người lao động, đảm bảo quyền được nghỉ ngơi, làm việc, giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí. Tôi nghĩ rằng, các mô hình hiệu quả về tổ chức xã hội hiện đang tồn tại, chẳng hạn như mô hình chủ nghĩa xã hội Scandinavia nổi tiếng sẽ không thể có được nếu không có những thành quả của Cách mạng tháng Mười mà nhân dân Nga đã giành được bằng máu xương.
Nhờ Cách mạng tháng Mười, nước Nga đã đạt những thành tựu đáng kể mà như nhà bác học Nga vĩ đại, người sáng lập ra khoa học tự nhiên M.V. Lomonosov sống trong thế kỷ XVIII đã gọi là "sự bảo tồn" và "phát triển của nhân dân Nga". Ở đây, tôi muốn đề cập tới trình độ giáo dục và văn hoá. Vào cuối thế kỷ XIX, ở đất nước chúng tôi, hơn một nửa dân số không biết đọc, biết viết nhưng vào giữa những năm 1930, chính quyền Xô Viết đã hoàn thành việc xóa mù chữ.
Cách mạng tháng Mười đã khơi dậy khát vọng của các dân tộc khác về cải cách, đấu tranh giành tự do khỏi sự lệ thuộc thuộc địa và các quyền xã hội cơ bản. Chính các quá trình đã diễn ra ở nước chúng tôi trước và sau cách mạng, trên nhiều khía cạnh đã trở thành chất xúc tác cho hiện tượng mà Lenin trong các tác phẩm của mình đã gọi là "sự thức tỉnh châu Á".
Nền tảng quan hệ Nga - Việt
Chính các sự kiện của năm 1917 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng và con đường của Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự ra đời của Nhà nước Việt Nam đương đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1920 đã nhiều lần viếng thăm Liên Xô và từng học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông, tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Chính trên đất nước chúng tôi, Người đã nổi danh như một nhà lãnh đạo cộng sản và chiến sỹ đấu tranh vì tự do, độc lập cho dân tộc mình.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov. (Nguồn: FB ĐSQ Nga) |
Thiết nghĩ, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Việt Nam, ở mức độ nào đó, có thể được xem là một trong những kết quả tích cực của Cách mạng tháng Mười. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập vào chính thời kỳ Xô Viết, đây cũng là giai đoạn hoạt động ngoại giao mạnh nhất, đặt nền tảng cơ bản cho sự hợp tác Nga-Việt trong những thập kỷ tiếp theo.
Hai nước chúng ta đang duy trì ở mức cao các mối quan hệ song phương trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Đặc biệt, lãnh đạo hai nước tiến hành đối thoại thường xuyên. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga có những chuyến thăm lẫn nhau trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Liên bang Nga vào cuối tháng 6 và chỉ đầu tháng 11 tới, Tổng thống Putin sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Phát triển hợp tác thương mại, kinh tế là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự song phương. Hợp tác trong lĩnh vực này hiện nay mặc dù đang ở cao trào, song tạm thời chưa đáp ứng được kỳ vọng và khả năng của hai phía.
Nga cũng như Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam. Hiệp định quy định việc giảm hoặc "bằng không" khoảng 90% thuế hải quan nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng. Điều đó đã mang lại kết quả tích cực đầu tiên dưới hình thức tăng khối lượng hoạt động thương mại và đầu tư tương hỗ. Theo số liệu thống kê của Nga, tháng 1-7/2017, kim ngạch hàng hóa Nga-Việt đạt 2,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước.
Quan hệ Nga - Việt cũng phát triển trên các lĩnh vực khác như văn hoá, giáo dục, ngoại giao nhân dân, và du lịch. Đầu tháng 10 vừa qua, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Ngày Văn hoá Nga với sự trình diễn của dàn nhạc huyền thoại "Beryozka". Không lâu nữa tại Nga cũng tổ chức chiếu phim Việt Nam. Chính phủ Nga hàng năm tăng số lượng học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam, dự kiến trong năm tới sẽ nâng con số lên một nghìn. Hợp tác du lịch cũng đang được đẩy mạnh. Năm ngoái, lượng du khách Nga tới Việt Nam lớn nhất trong số tất cả các nước châu Âu, tăng lên tới 434.000 lượt người.
Là Đại sứ Nga tại Việt Nam, tôi thấy một tương lai lạc quan trong quan hệ hai nước. Điều quan trọng là chúng ta không ngừng hướng tới mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, phát triển các dự án mới, có triển vọng. Mối quan hệ Nga-Việt được dựa trên nền tảng vững chắc của quá khứ đặc biệt là của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.