📞

Cách mạng tháng Mười Nga – một sự khẳng định những giá trị bất biến và bài học vô giá

ThS. Trần Trung Hiếu * 19:35 | 07/11/2022
105 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi trên diện tích một phần sáu quả địa cầu. Cuộc cách mạng mà tác động của nó như cách nói của Jonh Reed - một nhà báo, nhà hoạt động cách mạng người Mỹ là “rung chuyển thế giới”.
Không khí Cách mạng tháng Mười ở Yekaterinburg - thành phố chính ở miền trung Nga, phía Đông dãy núi Uran. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Cách mạng tháng Mười Nga đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ “một bóng ma ám ảnh châu Âu” trở thành hiện thực, từ những dự báo trở thành hiện thực lịch sử sinh động, và Liên bang Xô viết trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Lenin không chỉ vận dụng sáng tạo học thuyết Marx - Engels về những quy luật cách mạng để giành và giữ chính quyền ở nước Nga mà còn làm cho cuộc Cách mạng tháng Mười Nga trở thành một sự kiện lớn mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1922, Liên bang Xô viết chính thức ra đời từ những hoàn cảnh hiểm nghèo, từng bước vượt qua những năm đầu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, rồi bước đầu xây dựng chế độ mới với nhiều thành tựu. Tiềm lực và sức mạnh của Liên Xô đã được khẳng định trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), đánh bại chủ nghĩa phát xít, giúp đỡ một loạt các nước Đông Âu giành độc lập và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới cùng nhiều thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật, chinh phục vũ trụ và quân sự.

Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã đóng góp vô cùng lớn lao vào sự phát triển lịch sử của nhân loại. Đóng góp không thể nào phủ nhận với giá trị bất biến.

Cũng hơn 1 thế kỷ qua, lịch sử nhân loại nói chung và nước Nga nói riêng đã trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, lịch sử luôn vận động không ngừng theo đúng quy luật của nó.

Năm 1991, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Đó là một tổn thất lớn của phong trào cách mạng thế giới dẫn đến chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại với tư cách một hệ thống.

Sau biến cố năm 1991 đó, vẫn còn những nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục xây dựng và phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... Các nước này đã và đang thực hiện những cải cách, đổi mới thành công và kiên định với con đường chủ nghĩa xã hội. Tuy còn nhiều hạn chế và khó khăn cần khắc phục, nhưng công cuộc đổi mới ở các nước này đã và đang đạt nhiều kết quả toàn diện và vững chắc.

Thành tựu mà các nước này đạt được thể hiện trên hai lĩnh vực.

Thứ nhất, là nhận thức trên con đường về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc và Việt Nam đều có những nhận thức mới về lý luận, không tiếp cận chủ yếu bằng những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà tiếp cận theo mục tiêu hướng tới và cần phải đạt được của chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, từ xác định mục tiêu như thế, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước này trở nên linh hoạt, phong phú, sáng tạo chứ không rập khuôn theo một mẫu hình nào có sẵn. Nhờ cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu về kinh tế xã hội, trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới.

LieViệt Nam đổi mới, từ một nước nghèo bởi nhiều năm trong chiến tranh, đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang phấn đấu đưa thu nhập bình quân theo đầu người ngày càng cao hơn.

Tác giả (thứ hai từ trái) chia sẻ tại Tọa đàm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Nghệ An ngày 6/11. (Ảnh: TGCC)

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy rằng, nhân loại luôn đấu tranh, phát triển và hướng tới những giá trị mới, cao hơn, tiến bộ hơn. Cho dù, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội có nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều khi còn vấp váp, thất bại nhưng với mục tiêu tốt đẹp của nó, nhân loại cần phải và nhất định sẽ tiến đến những chân giá trị của nền văn minh hiện đại dựa trên những quy luật khách quan, khoa học hơn, nhân văn hơn, trong đó con đường để đạt được chủ nghĩa xã hội có thể bằng đường con đường khác nhau, phù hợp với điều kiện cụ thế và sự sáng tạo của từng quốc gia, dân tộc.

Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần nhưng nhận thức lịch sử cần một quá trình. Sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, sự ra đời của Liên Xô và vai trò của nó cũng như sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991 luôn là những giá trị bất biến và để lại những bài học vô giá cho lịch sử.

Lịch sử luôn cần được tôn trọng. Chúng ta đang hướng tới tương lai, nhưng không thể gạt bỏ hay xóa nhòa quá khứ, không thể phủ nhận sạch trơn giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và những cống hiến của Liên Xô trong tiến trình phát triển của lịch sử.


* Giáo viên Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.