GS. Mạch Quang Thắng nhận định, những bài học, giá trị của Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trường tồn mãi với thời gian. (Nguồn: NVCC) |
GS. Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh như vậy về những giá trị, bài học mà Cách mạng Tháng Tám đã để lại, đặc biệt trong thời đại ngày nay.
Bài học xây dựng khối đại đoàn kết
Ông đánh giá thế nào về sự chuyển biến tư tưởng, văn hóa của người dân sau Cách mạng Tháng Tám?
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thay đổi rất lớn đất nước ta. Trong đó, thay đổi căn bản nhất là xã hội “thuộc địa và phong kiến” bị xóa bỏ, một xã hội mới ra đời, xã hội do nhân dân làm chủ với chính thể Cộng hòa dân chủ. Cụm từ “thuộc địa và phong kiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong tác phẩm “Thường thức chính trị” (năm 1953) khác với nhiều người cứ hay gọi là xã hội “thuộc địa nửa phong kiến”.
Trước khi Pháp xâm lược, nước ta là một nước quân chủ phong kiến độc lập. Pháp thiết lập xong chế độ cai trị, lập nên “Đông Dương thuộc Pháp”. Từ đó, Việt Nam bị mất nước, mất luôn tên trên bản đồ thế giới. Lẽ ra, tư sản Pháp phải xóa bỏ chế độ phong kiến Việt Nam, nhưng Pháp lại duy trì chế độ phong kiến Nhà Nguyễn làm tay sai. Pháp cai trị Việt Nam từ năm 1858 đến đêm 9/3/1945 thì bị Nhật làm cuộc đảo chính thành công rồi độc quyền cai quản. Nhân dân Việt Nam lật đổ sự cai trị của phát xít Nhật và xóa bỏ ách phong kiến, lập nên chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự thay đổi về chất của một xã hội, mấy nghìn năm mới có sự thay đổi lớn này ở nước ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám giúp cho nhân dân từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Đây là sự chuyển biến vĩ đại – biến đổi hẳn thân phận con người. Tư tưởng và văn hóa của con người Việt Nam từ lúc này đã được chuyển sang một vị thế khác chưa từng có.
Những bài học kinh nghiệm nào rút ra từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn giá trị đến ngày nay, thưa ông?
Theo tôi, có hai bài học lớn nhất, một là phải xây dựng, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế. Hai là, chú trọng xây dựng Đảng để làm tròn trách nhiệm lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Nếu không xây dựng được khối đại đoàn kết trong lúc này, thể hiện ở Mặt trận Việt Minh thì không thể thắng lợi, mặc dù điều kiện quốc tế có thuận lợi đến mấy. Lòng người dân “chia năm xẻ bảy” thì chẳng thể nói gì đến sức mạnh. Nếu nội lực yếu thì làm sao kết hợp được với sức mạnh quốc tế. Dân tộc ta, một cách tự nhiên đúng quy luật, trao trách nhiệm cho Đảng đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vai trò lãnh đạo đó đã được thử thách, đã được trải nghiệm qua các lò lửa đấu tranh ở các thời kỳ: 1930-1931 với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là điển hình; 1932-1935 với sự phục hồi ngoạn mục của các tổ chức Đảng từ các cuộc vây ráp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù; rồi 1936-1939 sôi động của mặt trận dân chủ đòi tự do, cơm áo, hòa bình, sau đó đến cao trào đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật.
Theo tôi, hai bài học đó vẫn còn nguyên giá trị không những cho ngày nay mà cho mãi mãi về sau. Tôi chắc rằng, đó chính là chìa khóa để mở ra thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mọi thời đại. Trong thời đại ngày nay, tổ chức và cá nhân nào có được “bảo bối” này thì sẽ càng phát triển.
Trước những thách thức thời đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, chúng ta cần làm gì để giữ gìn và phát huy những giá trị mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại?
Thế giới vẫn cứ “xoay như bàn xoay đồ gốm”. Nhưng giờ đây, nó biến chuyển nhanh, chứa đựng rất nhiều yếu tố khó lường. Nhìn xuyên suốt thì thấy thế giới hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn.
Trước những thách thức thời đại biến chuyển nhanh chóng, khôn lường như vậy, thì Cách mạng Tháng Tám đã “neo chốt” cho chúng ta những giá trị vĩnh cửu, đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết vì một mục tiêu tươi sáng của nền văn minh tiến bộ dân tộc và nhân loại, hãy sống với nhau hòa hiếu, hợp tác cùng có lợi. Hãy vì mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững của dân tộc và nhân loại. Ai cũng có lợi ích riêng, nhưng lợi ích cao nhất, chung nhất, có tính quy tụ sức mạnh lại, là lợi ích toàn dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi được là do giá trị này được “kích hoạt” và phát triển.
Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Thắp lên ngọn lửa trách nhiệm
Theo ông, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám đối với thế hệ trẻ ngày nay là gì?
Cuộc cách mạng này đã mang lại cho các thế hệ người Việt Nam những giá trị vô cùng to lớn, tốt đẹp, vì vậy hãy trân quý nó như trân quý cuộc đời mình. Không những thế, còn phải biết đứng lên để làm những chuyện lớn, biến giá trị độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của Cách mạng Tháng Tám thành hiện thực.
Các bạn trẻ là người biết cộng vào, nhân lên những giá trị quá khứ, khảm chúng vào tương lai để nước ta hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu. Cách mạng Tháng Tám chỉ có ý nghĩa bền vững khi có sự tiếp nối như thế của các bạn trẻ.
Ông có nhắn nhủ gì trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý nghĩa của ngày 19/8 và truyền lửa yêu nước cho các em?
Nhà thơ, nhà biên kịch người Ireland Wiliam Butler Yeats từng nói: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một bình nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”.
Đúng vậy, đó là ngọn lửa trí tuệ, nhân văn, yêu nước – ngọn lửa trách nhiệm trong người trẻ. Trong giáo dục, có giáo dục truyền thống. Các bạn trẻ nên có tâm thế chủ động, tích cực tiếp thụ truyền thống Cách mạng Tháng Tám. Bằng nhiều cách, nhiều dạng khác nhau, chứ không phải chỉ là đọc trong sách, trong tin tức trên phương tiện truyền thông. “Mẫu số chung” của tâm thế đó là lòng yêu nước.
Nếu có được tình yêu nước chảy thì các bạn trẻ làm gì cũng có ích cho Tổ quốc, rộng hơn cho sự văn minh, tiến bộ của nhân loại. Có tình yêu nước và tình yêu đó được bồi đắp qua những việc thiện hằng ngày của các bạn, từng việc một, từng giây, từng phút, từng ngày thì đất nước sẽ ngày càng vững mạnh, tương lai ngày càng xán lạn.
Giới trẻ ngày nay đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng và phát triển đất nước?
Giới trẻ là rường cột của nước nhà - tôi “mượn” lời của Anh hùng dân tộc vĩ đại đồng thời là Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Tôi rất kỳ vọng, kỳ vọng có căn cứ lý luận và thực tiễn. Lấy hình ảnh của Olympia, tôi mong họ sẽ là người đứng trên bục nhận Huy chương vàng và bài “Tiến quân ca” vang lên. Không chỉ họ ở trên bục, mà chúng tôi đứng ở dưới hướng lên lá cờ đỏ sao vàng từ từ được dâng lên, cùng với họ hát vang quốc ca hùng tráng.
Xin cảm ơn GS!