TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, tinh gọn bộ máy là công việc cấp thiết, không chỉ mang tính cải cách hành chính, quan trọng hơn cả, đó là một chiến lược, quyết định đến sự phát triển đất nước. |
Gần đây, hai bài viết cùng nhiều phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã thu hút nhiều chú ý, bàn luận; những kỳ vọng về các hành động quyết liệt hơn nữa để tạo ra sự chuyển biến tích cực, triệt để trong thời gian tới.
Tổng Bí thư đã chỉ ra một thực tế được đề cập từ nhiều năm nay là tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, đầu mối. Thẩm quyền, chức năng của một số chủ thể, nhiều mối quan hệ giữa các chủ thể chưa thật rõ ràng, thậm chí có cấp không rõ địa vị pháp lý.
Tình trạng hiện nay đã và đang dẫn đến nhiều hậu quả. Điển hình nhất là hiện tượng “bao biện, làm thay”, cơ quan lãnh đạo có thể lấn sân cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với đó là các vấn đề kém hiệu lực, hiệu quả, linh hoạt trong hoạt động của các đơn vị trong hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, tất cả những vấn đề nêu trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách về thực hiện những sự thay đổi có tính cách mạng liên quan đến hệ thống chính trị.
Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư đã rất thẳng thắn, bây giờ không hình thức nữa, phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển... Việc tinh gọn bộ máy là công việc cấp thiết, không chỉ mang tính cải cách hành chính, quan trọng hơn cả, đó là một chiến lược, quyết định đến sự phát triển đất nước.
Những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Tổng Bí thư đã củng cố niềm tin và sự kỳ vọng về hành động quyết liệt trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là từ các cơ quan trung ương, trong thời gian tới. Người dân chắc chắn trông đợi sự quyết liệt trong nhận thức và quan điểm của lãnh đạo cấp cao sẽ được chuyển thành hành động trong cả hệ thống chính trị, thể hiện thành những kết quả cụ thể, có tác động tích cực, rõ rệt đến chất lượng hoạt động của hệ thống.
Cũng theo Tổng Bí thư, những tiêu chí then chốt được sử dụng làm thước đo cho sự thay đổi về hệ thống tổ chức là Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả. Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, mọi sự điều chỉnh cũng cần hướng đến chấm dứt tình trạng bao biện, làm thay cơ quan Nhà nước.
Có thể nói, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị theo các tiêu chí hiện đại như quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ giữ vai trò quyết định với việc triển khai hiệu quả của các chủ trương, đường lối, mục tiêu lãnh đạo chiến lược khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lãnh đạo cấp cao đã khẳng định.
Để có thể thực hiện những thay đổi có tính cách mạng liên quan hệ thống chính trị thì một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất là triển khai quyết liệt chủ trương đã được đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW (năm 2017) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, đến năm 2030, hoàn thành việc nghiên cứu và thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.