Niềm tin vào thị trường bất động sản của Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. (Nguồn: Getty) |
Ngân hàng bị mắc kẹt
Tại Trung Quốc, vòng xoáy khủng hoảng đã diễn ra khi các dự án bất động sản bị đình trệ, làm sụt giảm niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà và gây ra làn sóng “tẩy chay thế chấp” tại hơn 90 thành phố, dẫn đến cảnh báo về những rủi ro hệ thống rộng lớn hơn.
"Tẩy chay thế chấp" là hiện tượng người mua nhà đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án bán trước khi hoàn thiện nếu như những công trình này không nối lại hoạt động xây dựng.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi lớn đặt ra là những hiện tượng tiêu cực này sẽ phá hủy hệ thống ngân hàng trị giá 56.000 tỷ USD của Trung Quốc đến mức nào?
Tin liên quan |
Trung Quốc: Chấp nhận trả giá đắt để thoát khỏi ‘vòi bạch tuộc’ của bất động sản, vẫn còn nhiều cơn gió ngược |
Trong trường hợp xấu nhất, S&P Global Ratings ước tính rằng, 2.400 tỷ NDT (356 tỷ USD), tương đương 6,4% các khoản vay thế chấp hiện hành của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang gặp rủi ro. Trong khi đó, ngân hàng Deutsche Bank AG cảnh báo, ít nhất 7% các khoản vay mua nhà đang gặp nguy hiểm.
Cho đến nay, các ngân hàng niêm yết mới chỉ báo cáo 2,1 tỷ NDT các khoản thế chấp bị quá hạn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc tẩy chay.
Zhiwu Chen, Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Các ngân hàng đang bị mắc kẹt ở giữa. Nếu họ không giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thành dự án, họ sẽ mất nhiều hơn thế.
Còn nếu họ làm vậy, điều đó tất nhiên sẽ khiến chính phủ hài lòng, nhưng rủi ro sẽ tăng lên khi những dự án bất động sản này bị trì hoãn”.
Sau khi chứng kiến một loạt yếu tố tiêu cực như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục, Trung Quốc đang đặt mục tiêu ổn định tài chính và xã hội lên hàng đầu.
Những nỗ lực cải thiện tình hình cho đến nay bao gồm thời gian ân hạn đối với các khoản thanh toán thế chấp và một quỹ được ngân hàng trung ương hỗ trợ để hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển.
Dù bằng cách nào, các ngân hàng dự kiến sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện một gói cứu trợ có sự phối hợp của nhà nước.
Bất động sản là “chốt chặn” cuối cùng
Mức độ tiếp xúc của các ngân hàng Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản là cao nhất so với bất kỳ ngành nào khác.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), tính đến cuối tháng 3/2022, hệ thống ngân hàng nước này ghi nhận 39.000 tỷ NDT các khoản vay thế chấp chưa thanh toán và 13.000 tỷ NDT tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản.
Giám đốc điều hành Gabriel Wildau của công ty tư vấn và quan hệ công chúng Teneo Holdings cho biết, thị trường bất động sản là “chốt chặn” cuối cùng để đảm bảo sự ổn định tài chính của Trung Quốc.
Khi các nhà chức trách tiến hành kiểm soát rủi ro, những tổ chức cho vay có mức độ rủi ro cao có thể bị giám sát chặt chẽ hơn.
Các khoản vay thế chấp chiếm khoảng 34% tổng số khoản vay tại Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tính đến cuối năm 2021, vượt mức giới hạn quy định là 32,5% đối với các ngân hàng lớn nhất.
Theo chuyên gia phân tích Lucia Kwong của ngân hàng Deutsche Bank, khoảng 7% số dư nợ cho vay thế chấp chưa thanh toán có thể bị ảnh hưởng nếu tình trạng vỡ nợ lan rộng. Tuy nhiên, ước tính này có thể vẫn còn “khiêm tốn” do khả năng tiếp cận thông tin hạn chế liên quan đến các dự án chưa hoàn thành.
Để kiểm soát những tác động tiêu cực của việc này, các ngân hàng địa phương - những tổ chức cho vay thương mại ở thành phố và nông thôn - có thể gánh vác nhiều trách nhiệm hơn so với ngân hàng nhà nước, dựa trên các gói cứu trợ trước đó và mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, mặc dù bộ đệm vốn của những ngân hàng này có thể thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành.
Tin liên quan |
Kinh tế Australia gánh rủi ro khi bất động sản Trung Quốc giảm nhiệt |
Các khoản cho vay khó đòi của Trung Quốc, lên tới 2.900 tỷ NDT tính đến cuối tháng 3/2022, có khả năng ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong thời gian tới, gây căng thẳng hơn nữa cho một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi tổng dư nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm nay, người tiêu dùng đang tỏ ra ngần ngại với việc sử dụng nhiều đòn bẩy hơn.
Điều đó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về nguy cơ Trung Quốc rơi vào “suy thoái trên bảng cân đối kế toán”, với việc các hộ gia đình và công ty cắt giảm chi tiêu và đầu tư.
Tăng trưởng thu nhập khả dụng đang chậm lại, càng làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người mua nhà. Tình trạng giá nhà giảm đã lan rộng đến 48 trong số 70 thành phố lớn vào tháng Sáu, tăng so với mức chỉ 20/70 trong tháng Một.
S&P Global dự báo, doanh số bán nhà tại Trung Quốc có thể giảm tới 33% trong năm nay giữa bối cảnh cuộc “tẩy chay thế chấp” ngày càng bành trướng, xu hướng tiếp tục bị siết chặt thanh khoản của các chủ đầu tư đang gặp khó khăn, từ đó dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn.
Theo công ty Teneo Holdings, khoảng 28 trong số 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã không trả được nợ trái phiếu hoặc không thể thương lượng về việc gia hạn nợ với các chủ nợ trong năm qua.
Đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc, vốn là yếu tố thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ - chiếm khoảng 20% GDP quốc gia, đã giảm 9,4% trong tháng Sáu.
Trong khi đó, thu nhập ngân hàng đang bị đe dọa. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất trong gần một thập niên vào năm ngoái, các tổ chức cho vay của nước này đang phải đối mặt với một năm 2022 đầy thách thức.
Các nhà phân tích của Citigroup do chuyên gia Judy Zhang đứng đầu ước tính trong một báo cáo phát hành ngày 19/7 rằng, tăng trưởng đầu tư bất động sản cứ chậm lại 10 điểm phần trăm thì tổng nợ xấu sẽ tăng 28 điểm cơ bản, nghĩa là thu nhập năm 2022 của ngành ngân hàng sẽ giảm 17%.
Cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc được niêm yết tại Hong Kong đã giảm 12% trong tháng này.
| Trung Quốc: Lần đầu tiên phân khúc thị trường nhà mới tươi sáng hơn kể từ cuối năm ngoái Giá nhà mới ở Trung Quốc tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9. Trong tháng Một, giá nhà tại 70 thành phố lớn của ... |
| Kinh tế Trung Quốc năm 2022: Hai thách thức lớn lấn lướt triển vọng tăng trưởng? Goldman Sachs dự báo, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ còn 4,8% trong năm 2022, giảm so với dự báo tăng trưởng 7,8% trong năm ... |