TIN LIÊN QUAN | |
Giải mã những bí ẩn về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn | |
Trưng bày ba di sản tư liệu được UNESCO vinh danh tại Hà Nội |
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng, cùng nhiều nhà khoa học, đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tham dự…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ những nghiên cứu, hiểu biết về giá trị lịch sử của vương triều Nguyễn đã để lại trên nhiều mặt, tiêu biểu như thể chế, tổ chức bộ máy, chế độ quan lại, thi cử, địa giới hành chính…
“Đây là cơ hội để mọi người cùng nhìn nhận lại những kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai thực hiện các nội dung và sáng kiến cải cách hành chính trong thời gian qua. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta ngày nay”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.
Hội thảo nhận được gần 20 tham luận của các nhà khoa học và một số địa phương trong cả nước. Nội dung tập trung chủ yếu vào các vấn đề như đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mệnh. Thứ hai, đi sâu phân tích về Luật “Hồi tị” - một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước, nhằm hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi. Thứ ba, công bố các tư liệu gốc về cải cách hành chính triều Nguyễn thông qua các di sản tư liệu thế giới như: Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn…
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (giữa) chủ trì hội thảo. (Ảnh: YN) |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Đặng Thanh Tùng cho biết, ngược dòng lịch sử, cùng nhìn lại những gì ông cha ta đã làm, nhận thấy mỗi một triều đại phong kiến hầu như đều có ít nhất một cuộc cải cách diễn ra. Trong đó, một số đã để lại nhiều dấu ấn như: Cuộc cải cách do Hồ Quý Ly khởi xướng những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15; cải cách của vua Lê Thánh Tông thực hiện từ năm 1466 đến năm 1471; cải cách của vua Quang Trung những năm cuối thế kỷ 18, hay cải cách dưới thời vua Minh Mệnh nhà Nguyễn năm 1831-1832…
Cũng theo ông Đặng Thanh Tùng, nói về cải cách hành chính triều Nguyễn không thể không nhắc đến vị hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long. Ngay sau khi lập nước, ông đã định ra nhiều chính sách mới như: Đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước.
Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa… Đặc biệt, ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.
“Có thể nói, cải cách luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Tuy mỗi giai đoạn sẽ có những mục tiêu và phương thức khác nhau, nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho dân giàu nước thịnh, xã hội ổn định phồn vinh. Để đạt được mục tiêu đó, việc củng cố tinh lọc bộ máy hành chính, tuyển chọn sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực Nhà nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ quốc gia hay Nhà nước nào”, ông Đặng Thanh Tùng nhận định.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học. (Ảnh: YN) |
Chia sẻ quan điểm của mình, PGS. TS. Vũ Thị Phụng từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với tinh thần "Ôn cố tri tân", việc tìm hiểu các chế độ của triều Nguyễn về văn thư hành chính giúp chúng ta tìm ra những giá trị tham khảo, kế thừa và phát triển.
"Cho dù điều kiện lịch sử khác nhau nhưng để điều hành đất nước, triều đại nào cũng có những chủ trương và biện pháp về quản lý hành chính. Tôi cho rằng, do sự phát triển không ngừng của xã hội, do những thay đổi về thời cuộc, các chế độ đó cũng cần được đổi mới và hoàn thiện", bà Vũ Thị Phụng nói.
Cũng theo PGS, TS. Vũ Thị Phụng, những người đứng đầu đất nước và các cơ quan, tổ chức đã và cần có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của văn bản/ văn thư hành chính. Cùng với đó, cần nghiêm túc thực hiện các quy định về văn thư hành chính đã có, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong vấn đề này. Đặc biệt, nghiên cứu chế độ văn thư hành chính Triều Nguyễn, chúng ta cần tìm ra những "hằng số" và cả những "biến số" để tham khảo, kế thừa.
Chia sẻ về chính sách bổ dụng quan lại của vua Minh Mệnh thông qua luật Hồi tị, Tiến sĩ Phan Thanh Hải thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng, chính sách Hồi tị là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền dưới thời quân chủ phong kiến Việt Nam. Chính sách này thể hiện rõ nét sự am tường, tinh tế của cha ông ta về văn hóa, lối sống xã hội cũng như những nguy cơ tiềm ẩn từ quan hệ thân tộc, đồng hương, thầy trò...
"Chính sách Hồi tị mang một ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp các chế độ hạn chế mặt tiêu cực ngay từ khía cạnh văn hóa ứng xử của những người nắm giữ công quyền. Từ đó, phát huy tính công tâm, khách quan trong việc phụng sự lợi ích Nhà nước. Đồng thời, chính sách Hồi tị còn thể hiện thái độ nghiêm khắc, kiên quyết của cha ông ta trong công tác quản lý đội ngũ quan lại", ông Phan Thanh Hải cho biết thêm.
Bảo vật triều Nguyễn ra mắt công chúng Lần đầu tiên, 22 quyển kim sách triều Nguyễn cùng 10 kim bảo liên quan đã chính thức được giới thiệu tới đông đảo khách ... |
Cơ hội chiêm ngưỡng kim sách triều Nguyễn Vào ngày 31/3 tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ trưng bày 21 quyển kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) làm bằng vàng ... |
“Châu bản - Di sản diệu kỳ” Nhiều lần nói về sự ngưỡng mộ đối với những giá trị của Châu bản triều Nguyễn, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn ... |