Hơn 100 ngày sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra ở Trung Đông, căng thẳng vẫn đang leo thang. Hơn nữa, vụ lực lượng Houthi tấn công các phương tiện qua lại tại Biển Đỏ đã làm phức tạp thêm tình hình. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát đánh giá, một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực nhiều khả năng sẽ không xảy ra, phần lớn là do cả Iran và Mỹ đều không muốn điều đó trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, tờ The Economist (Anh) cho rằng hậu quả kinh tế của cuộc xung đột là rất lớn.
Hậu quả kinh tế nguy hiểm nhất của xung đột có thể là sự khó khăn gây ra cho người dân ở Lebanon và Bờ Tây. Ảnh minh họa.(Nguồn: Getty) |
Từ tâm điểm Biển Đỏ
Vùng Biển Đỏ từng xử lý 10% tổng lượng hàng hóa di chuyển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu phóng tên lửa bắn phá các tàu container trên Biển Đỏ, khối lượng vận tải đi qua khu vực này đã giảm xuống chỉ còn 30% mức bình thường. Ngày 16/1, Tập đoàn Shell, “ông cả” trong ngành dầu khí, đã trở thành công ty đa quốc gia mới nhất tuyên bố sẽ tránh tuyến đường đi qua Biển Đỏ.
Đối với một số quốc gia giáp khu vực này, các cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng Houthi gây ra hậu quả tồi tệ hơn nhiều. Nền kinh tế của Eritrea được thúc đẩy chủ yếu nhờ xuất khẩu đánh bắt cá, nông nghiệp và khai thác mỏ.
Tất cả các lĩnh vực này đều liên quan đến biển hoặc di chuyển bằng đường biển. Trong khi, Sudan, một quốc gia đang gặp khủng hoảng, thì Biển Đỏ là điểm tiếp nhận viện trợ duy nhất. Kể từ khi các cuộc tấn công diễn ra, hầu như không có bất kỳ khoản viện trợ nào đến được với 24,8 triệu người dân Sudan nghèo đói.
Sự gián đoạn hơn nữa có thể dẫn đến hủy hoại trên diện rộng đối với nền tài chính và thương mại của Ai Cập, một trong những quốc gia lớn nhất khu vực. Với dân số 110 triệu người, Biển Đỏ là nguồn cung cấp tài chính quan trọng của nước này. Chính phủ Ai Cập đã kiếm được 9 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023 (tính đến hết tháng 6/2023) từ phí cầu đường trên kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
Nếu không có doanh thu từ phí cầu đường, ngân hàng trung ương Ai Cập sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối, ở mức 16 tỷ USD vào đầu năm 2023. Chính phủ nước này sẽ phải đối mặt với một khoản lỗ lớn trong ngân sách quốc gia, vốn đã dựa phần lớn vào việc bơm tiền mặt từ các quốc gia vùng Vịnh và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF).
Cả hai cuộc khủng hoảng của Ai Cập đều có thể xảy ra vào năm 2024. Thu nhập tính đến thời điểm hiện tại của nước này từ kênh đào Suez đã thấp hơn 40% so với thời điểm này năm ngoái. Điều đó đặt nước này vào nguy cơ thực sự cạn tiền, đẩy chính phủ vào tình trạng vỡ nợ và ngân sách chìm trong tình trạng hỗn loạn.
...cho tới Trung Đông
Theo The Economist, các tuyến thương mại quốc tế bị chặn, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu và tàn phá nền kinh tế địa phương. Cụ thể hơn, các ngành công nghiệp năng suất cao nhất ở Trung Đông đang bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, ở Lebanon và Bờ Tây, khó khăn ngày càng tăng và nguy cơ gây ra nhiều bạo lực hơn nữa.
Trước khi xung đột bùng phát vào tháng 11/2023, 1/5 tổng lượng xuất khẩu trung bình của một quốc gia Trung Đông – từ công nghệ của Israel đến dầu mỏ của vùng Vịnh – được giao thương trong khu vực. Mặc dù là các đối thủ địa chính trị, nhưng trao đổi thương mại trong khu vực đang tăng lên. Điều này trái ngược với hiện tại, khi hơn một nửa số hàng hóa đã bị phong tỏa trên các tuyến đường này.
Thương mại nội khu vực đã sụp đổ. Đồng thời, chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Đông tăng lên đáng kể. Điều đó sẽ khiến nhiều nhà xuất khẩu, hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp, đứng trước nguy cơ phá sản trong những tháng tới.
Xung đột cũng đã tấn công các ngành công nghiệp hứa hẹn nhất ở Trung Đông. Trước ngày 7/10, lĩnh vực công nghệ của Israel là điểm sáng nhất, đóng góp 1/5 GDP cả nước. Bây giờ lĩnh vực này đang bị bủa vây bởi khó khăn. Các nhà đầu tư đang rút vốn, khách hàng hủy đơn đặt hàng và phần lớn lực lượng lao động của các công ty công nghệ đã được triệu tập để tham gia vào quân đội.
Trong khi đó, Jordan đang phải đối mặt với tình trạng ngành du lịch bị bỏ quên. Đây là một ngành thế mạnh của Jordan, chiếm 15% GDP của nước này. Ngay cả các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đang chứng kiến số lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Trong những tuần sau khi xung đột nổ ra, lượng khách quốc tế đến với Jordan đã giảm 54%. Cũng giống như Ai Cập, phần doanh thu bị mất khiến nước này có nguy cơ gần như vỡ nợ.
Hai “thùng thuốc súng” trực chờ... nổ
Tuy nhiên, hậu quả kinh tế nguy hiểm nhất của xung đột có thể là sự khó khăn gây ra cho người dân ở Lebanon và Bờ Tây, hai “thùng thuốc súng” có thể dễ dàng bùng nổ thành bạo lực nhiều hơn. Hơn 50.000 người đã phải di dời (cũng như 96.000 người ở miền Bắc Israel).
Lebanon đã có một chính phủ tạm thời kể từ khi vỡ nợ vào năm 2019. Trong những tháng gần đây, nền kinh tế của nước này rơi tự do nhanh hơn, khi khách du lịch nước ngoài và các ngân hàng, cùng chiếm tới 70% GDP, đã rời khỏi Lebanon theo cảnh báo của chính phủ các nước.
Mọi thứ cũng không khá hơn ở Bờ Tây. Trong số 3,1 triệu cư dân của thành phố, 200.000 người là công nhân nhà máy từng đến Israel hàng ngày để làm việc. Họ mất việc sau khi Israel thu hồi giấy phép của họ.
Trong khi đó, 160.000 công chức chưa được trả lương, kể từ khi xung đột bắt đầu. Các dịch vụ công đang ngừng hoạt động và việc công chức không trả được tiền thế chấp có nguy cơ gây ra khủng hoảng ngân hàng.
Trung Đông từ lâu đã có nhiều nền kinh tế đứng trên bờ vực. Chính phủ các nước đã xây dựng các chương trình chi tiêu, cân bằng giữa các gói cứu trợ từ các quốc gia vùng Vịnh, các khoản viện trợ từ Mỹ và các khoản vay ngắn hạn đắt đỏ. Nguy cơ tất cả sụp đổ là rất cao.
Phần còn lại của nền kinh tế thế giới cho đến nay ít phải gánh chịu hậu quả từ cuộc xung đột. Giá dầu vẫn tương đối ổn định, ngoại trừ đợt tăng đột biến vào đầu tháng 1/2024, những tác động lên tăng trưởng và lạm phát toàn cầu có thể sẽ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu phần lớn Trung Đông rơi vào khủng hoảng nợ, tất cả có thể dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng.