May mắn có thời gian học tập và công tác tại Thụy Điển tới 14 năm, cũng vì cái tình của người Thụy Điển khi giờ đây đã về hưu và ở độ tuổi ngoài 70, vị cựu cán bộ ngoại giao ấy vẫn âm thầm hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao nhân dân nhằm thúc đẩy tình hữu nghị giữa người dân hai nước.
Khi đã có duyên
Ông Đinh Tích vào học Trường Đại học Stockholm năm 1973 khi Thụy Điển đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1968. Trong suy nghĩ của ông ngay thời điểm ấy, Thụy Điển là một trong số các nước Bắc Âu phát triển nhất thế giới và rất yêu chuộng hòa bình. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang sôi sục ở Việt Nam, người dân Thụy Điển từ già tới trẻ đều xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, một lòng ủng hộ Việt Nam cả về tinh thần và vật chất.
Tình cảm đặc biệt ấy thế hệ cựu du học sinh như ông Tích đều cảm nhận được hết. Thời gian sau này khi làm Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển (1993 - 1996) và làm phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại Thụy Điển, sự thiện cảm của ông dành cho đất nước của những người dân chăm chỉ, kỷ luật đi đầu trong mọi sáng kiến đổi mới càng sâu đậm hơn.
Ông Đinh Tích tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội Hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển. |
Ông Tích cho biết, chỉ từ những năm 90 đến năm 2013, Thụy Điển đã viện trợ “cho không” Việt Nam tới 3,5 tỷ USD. Ngoài viện trợ phát triển, trong lúc Việt Nam gặp thiên tai bão lụt, Thụy Điển luôn là một những nước có viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Ông quý trọng đất nước này cũng bởi cảm nhận được sự nhân văn, sự nồng ấm và và những tình cảm đặc biệt của người dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khó nhất cho đến khi lập lại hòa bình.
“Người Thụy Điển ngưỡng mộ Việt Nam bởi tinh thần anh dũng, bất khuất vì độc lập tự do và chủ quyền của đất nước. Trong thời gian làm phiên dịch, tôi thường nghe các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao tiền bối như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Cơ Thạch... nói rằng: “Có lẽ, không ai tốt với Việt Nam hơn người Thụy Điển”, ông Tích chia sẻ.
... thì luôn có đường gặp lại
Công tác tại Bộ Ngoại giao, ông Đinh Tích được phân công về nhiều địa bàn khác nhau nhưng ông vẫn giữ nguyên vẹn tình cảm với đất nước Thụy Điển. Vậy nên, từ khi về hưu, ông đã quyết định tham gia hoạt động tại Hội Hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển ngay từ khi Hội thành lập cho đến nay.
Cuối năm 2013, ông Đinh Tích đã có dịp trở lại đất nước mà ông yêu mến khi làm Trưởng đoàn công tác tại Thụy Điển nhằm mục đích gặp gỡ, làm việc với cơ quan, tổ chức như Bộ Ngoại giao; Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển với Việt Nam, Lào và Campuchia; Tổ chức Save The Children; Cơ quan Hợp tác Phát triển (SIDA); Cơ quan Nhật báo Stockholm (Stockholms Tidningen)... Năm 2015, ông cũng cùng Hội đón tiếp và làm việc với các đoàn của Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển với Việt Nam, Lào và Campuchia. Ủy ban là những người tham gia phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ vào thăm Việt Nam năm 2015.
Theo ông Tích, việc trao đổi đoàn giữa hai bên đã giúp tăng cường thông tin, hiểu biết lẫn nhau, từ đó giải toả những băn khoăn và tâm tư của phía bạn về Việt Nam, tạo được thiện cảm, ủng hộ của phía bạn đối với sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động ý nghĩa như Giao lưu Hữu nghị nhân dịp Quốc khánh Thụy Điển, Chương trình giao lưu văn hóa Thụy Điển, Chương trình văn hóa, giáo dục Thụy Điển..., Hội luôn giữ mối liên hệ và hợp tác tốt với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.
Ông vui mừng vì thời gian qua, Hội đã hỗ trợ Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tập hợp danh sách các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Thụy Điển để thành lập “Mạng lưới cựu sinh viên Việt Nam tại Thụy Điển”, giúp gắn kết các hội viên của Hội với nhau và tạo điều kiện để hội viên giao lưu với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Các thành viên của Hội còn tổ chức cho Đại sứ quán Thụy Điển đến thăm nhà máy Giấy Bãi Bằng, một số cơ sở của Tổng Công ty Giấy Việt Nam và thăm Đền Hùng tại Phú Thọ, cũng như vận động bạn bè Thụy Điển ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông.
“Đối với Việt Nam, Thụy Điển vẫn là người bạn truyền thống có mối quan hệ gắn bó và giúp đỡ chân thành. Dù Hội còn non trẻ, quy mô hoạt động và số thành viên còn khiêm tốn, nhưng bằng tình cảm đặc biệt dành cho Thụy Điển, chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ và vun đắp cho mối tình hữu nghị đặc biệt này”, ông Tích nói.