TIN LIÊN QUAN | |
EU tuyên bố đáp trả việc thực thi đầy đủ Đạo luật Helms-Burton của Mỹ | |
Khi kinh tế và thương mại quốc tế “vận động” |
Trong những năm vừa qua, WTO đã gặp nhiều thách thức, trong đó, một số thách thức liên quan tới “cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đa quốc gia”, còn những thách thức khác có thể xem là kết quả của nhiều yếu tố gắn với cam kết pháp lý của các thành viên WTO từ khi thành lập tổ chức này vào năm 1995.
Các cam kết này không chỉ gây mất cân bằng cho quá trình toàn cầu hoá mà còn làm gia tăng tình trạng phân cấp giàu nghèo, bất bình đẳng, mất việc làm và bất ổn an ninh.
WTO không còn công bằng
Sự phản đối mạnh mẽ xu thế toàn cầu hoá và các thỏa thuận thương mại đã làm gia tăng sức ép của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và làm thay đổi điều khoản tham gia của nhiều quốc gia phát triển tại WTO. Phản ứng này xảy ra sau những quan ngại lâu năm của các nước đang phát triển, cho rằng, các thoả thuận của WTO không cân bằng và có định kiến với các lợi ích thương mại của họ.
Họ chỉ ra sự bất công khi phải giảm mạnh thuế suất mà không được hưởng lợi từ việc giảm thuế tương ứng trong các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của mình. Sự thiếu cân bằng thể hiện rõ nét trong ngành nông nghiệp, trong khi các nước phát triển có thể tiếp tục hỗ trợ người nông dân thì các nước đang phát triển phải hạn chế các biện pháp tăng cường an ninh lương thực.
Cơ chế quy định trợ cấp công nghiệp của WTO giới hạn chính sách cần thiết để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp của những nước đang phát triển, tuy nhiên lại cho phép các nền kinh tế phát triển hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, mang lại thịnh vượng cho họ.
Nền tảng của tất cả các vấn đề này là việc quy tắc sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho độc quyền nhưng làm giảm khả năng chuyển giao công nghệ, yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển lan tỏa đều khắp.
Mỹ đã cùng các nước khác, nổi bật là EU và Nhật Bản, đệ trình hàng loạt các đề xuất cải tổ với mục tiêu chung là “hiện đại hoá WTO” (Nguồn: Opendemocracy) |
Mặc dù phần lớn các nước đang phát triển không có nhiều vai trò trong những cuộc đàm phán ban đầu của WTO, song họ đã chấp nhận kết quả với hy vọng các biện pháp thương mại đơn phương và phân biệt đối xử trong quá khứ sẽ được thay đổi và quá trình cải tổ nông nghiệp sẽ tiếp tục, ngày càng có sự linh hoạt trong quy định pháp lý về thương mại và công nghiệp.
Các nước đang phát triển mong muốn “tái cân bằng” để tạo điều kiện cho phát triển và bao trùm, điển hình là việc ủng hộ Vòng Doha với mục tiêu vì phát triển. Sự nổi lên của một số nước đang phát triển có tầm ảnh hưởng về kinh tế và thương mại đã và đang thay đổi các cuộc đàm phán tại WTO. Họ ngày càng nhận thức rõ rệt về các tác động của thương mại đối với phát triển. Bế tắc trong đàm phán WTO ở góc độ nào đó thể hiện sự chuyển đổi trong phân phối sức mạnh kinh tế - thương mại trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
“Hiện đại hoá WTO”
Trong năm 2018, hàng loạt các động thái tưởng chừng như đơn lẻ của các nước phát triển và đồng minh của họ đã kết hợp thành một chiến lược chung nhằm tái cơ cấu WTO. Tháng 3/2018, Mỹ đơn phương tăng thuế suất đối với mặt hàng sắt và nhôm nhập khẩu lên mức vượt quá cam kết của Mỹ với WTO. Mỹ đã miễn cho một số nước thành viên khỏi chính sách tăng thuế và việc này phá vỡ quy tắc không phân biệt đối xử - nền tảng của hệ thống thương mại. Các hành động trả đũa, biện pháp đơn phương và sự đe doạ hiện là tâm điểm của “cuộc chiến tranh thương mại” đang nảy mầm và phá vỡ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ.
Bên cạnh đó, việc Mỹ duy trì lập trường trong việc bổ nhiệm thành viên vào Cơ quan phúc thẩm WTO (AB) đã đặt ra thêm rủi ro cho hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Trừ phi vấn đề này được giải quyết trước tháng 12/2019, khi tất cả các vị trí trong AB để ngỏ thì AB – trung tâm của hệ thống thương mại dựa trên luật lệ, sẽ hoàn toàn mất khả năng hoạt động.
Một số người phỏng đoán rằng, các biện pháp thương mại đơn phương và sự đình trệ tại AB là nhằm thúc đẩy một lộ trình cụ thể cho cải tổ WTO. Và trên thực tế, Mỹ đã cùng các nước khác, nổi bật là EU và Nhật Bản, đệ trình hàng loạt các đề xuất cải tổ với mục tiêu chung là “hiện đại hoá WTO”. Ba đề xuất đặc biệt quan trọng gồm:
Thứ nhất, dường như có nỗ lực nhằm phá vỡ nguyên tắc hoạch định chính sách dựa trên đồng thuận để cho phép các nhóm nước thành viên nhỏ hơn có thể thúc đẩy đàm phán trong các lĩnh vực mới thiếu sự đồng thuận đa phương. Đặc biệt, các nước này tìm cách đạt được thỏa thuận về thương mại điện tử, vốn không chỉ phá vỡ hệ thống thương mại mà còn kiềm chế khả năng “bắt kịp” chính sách của “những người đến sau” trong chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation). WTO vẫn bất đồng sâu sắc trong các vấn đề này và nhiều nước thành viên xác định ưu tiên hiện nay là tiếp tục tìm hiểu và đánh giá các tác động của chuyển đổi kỹ thuật số.
Thứ hai, có một số đề xuất về hạn chế sự linh hoạt mà các nước đang phát triển hiện được hưởng theo nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D). Theo các đề xuất này, S&D chỉ được áp dụng cho các nước kém phát triển nhất, còn các nước đang phát triển dù đang đối mặt với các thách thức về chính sách liên quan tới “bẫy thu nhập trung bình” vẫn cần phải từ bỏ S&D và chấp nhận các cam kết giống như các nước phát triển. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ do là vấn đề mang tính nền tảng.
Thứ ba, Mỹ, EU và Nhật Bản đều ra tín hiệu cho biết, họ mong muốn áp đặt các luật lệ cứng rắn hơn, nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ và sự hỗ trợ của chính phủ đối với nền công nghiệp và các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù Trung Quốc dường như là nước ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi đề xuất này, song các quy định của WTO sẽ áp dụng đối với tất cả thành viên và hạn chế họ tiến xa hơn trên nấc thang phát triển.
Cần một khái niệm khác cho cải tổ WTO
Việc sử dụng các biện pháp đơn phương và bế tắc của AB bộc lộ sự mong manh của hệ thống thương mại dựa trên quy tắc. Tuy nhiên, việc bảo vệ hệ thống này không có nghĩa là phải chấp nhận sự bất bình đẳng trước đó hoặc chấp nhận các đề xuất mới gây gia tăng sự mất cân bằng.
Chúng ta cần có một khái niệm khác cho cải tổ WTO, dựa trên nguyên tắc bao trùm và phát triển cần đánh giá chân thật hơn về cái giá và lợi ích của tự do hoá và cần công nhận rằng, việc hỗ trợ không đơn giản là vấn đề của mỗi nước mà cần được lồng ghép trong các thỏa thuận thương mại. Luật lệ của WTO phải giúp đạt được sự thịnh vượng chung, chứ không phải ưu tiên các lợi ích thương mại hạn hẹp hơn là các lợi ích lớn và giá trị của xã hội và người dân.
Hướng tới một WTO bao trùm và phát triển. (Nguồn: ITC) |
Tính bao trùm cần tối thiểu duy trì sự đồng thuận trong quá trình hoạch định chính sách trong WTO. Nó cũng cần thừa nhận giá trị của sự đa dạng về kinh tế và thể chế, tránh áp đặt một kết quả cho tất cả mọi thành viên và tái khẳng định các nguyên tắc “Đối xử đặc biệt và khác biệt” - S&D. Tóm lại, cần đảm bảo các quốc gia có quyền theo đuổi chiến lược phát triển của riêng mình trong khuôn khổ và nguyên tắc chung của hệ thống dựa trên các quy tắc.
Về phát triển, chúng ta nên xem xét thay đổi các quy định của WTO gây cản trở chính sách công nghiệp và chuyển giao công nghệ. Các mối quan ngại về AB cũng có thể được giải quyết theo cách phù hợp để vẫn duy trì được tính độc lập và công bằng của cơ quan này.
Cuộc tranh luận về cải tổ WTO cần được định hình lại, chuyển từ hệ thống “người chiến thắng được hưởng nhiều nhất” sang cách tiếp cận linh hoạt và hợp tác hơn, dựa trên đối thoại thực chất và có tính xây dựng; thúc đẩy các đề xuất nhằm mở rộng không gian phát triển thông qua khai thác vòng đầu tư, thương mại công bằng và chia sẻ đổi mới, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Nga giành thắng lợi kép về “an ninh quốc gia" trước Mỹ tại WTO Ngày 5/4, Nga đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi về “an ninh quốc gia” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau ... |
Mỹ không tuân thủ phán quyết của WTO, trợ cấp hàng tỷ USD cho Boeing WTO yêu cầu Washington ngừng trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Boeing. |
Mỹ yêu cầu WTO không công nhận Trung Quốc là 'nước đang phát triển' Mỹ cho rằng, không còn hợp lý khi Trung Quốc vẫn được hưởng những đặc quyền của WTO vốn được thiết kế để hỗ trợ ... |