📞

Campuchia ứng dụng công nghệ AI làm cầu nối trao đổi văn hóa, giáo dục

Khánh Đan 10:45 | 31/07/2024
Trường tiểu học Wat Bo tại tỉnh Siem Reap (Campuchia) hợp tác với đối tác Malaysia trong dự án sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa học sinh hai nước.
Trường tiểu học Wat Bo hỗ trợ chương trình giảng dạy công nghệ với hai phòng máy tính. (Nguồn: The Phnom Penh Post)

Hiệu trưởng Trường tiểu học Wat Bo, ông On Kunrath, cho biết: “Dự án khuyến khích học sinh chia sẻ trải nghiệm văn hóa thông qua các bài thuyết trình, luận văn, áp phích, hình ảnh, từ đó khiến buổi trao đổi văn hóa trở nên hấp dẫn và hiện đại hơn”.

Công nghệ AI đóng vai trò thiết yếu trong dự án, các công cụ như ChatGPT, Gemini, VN, CapCut, Renderforest và Canva hỗ trợ học sinh với quá trình nghiên cứu và thuyết trình.

Xuyên suốt dự án, các học sinh được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mới. Các em đã tạo một bản tóm tắt 70 chữ sử dụng công nghệ AI, chỉnh sửa ảnh cho một hội nhóm trên Facebook bằng ứng dụng CapCut, và sáng tạo đoạn phim với thời lượng một phút sử dụng các công cụ tương tự. Các học sinh sử dụng Google, ChatGPT và Gemini để nghiên cứu về dân tộc Malaysia, sau đó sử dụng phần mềm Microsoft 365 Note để tổng hợp thông tin nghiên cứu.

Hiệu trưởng On Kunrath nhấn mạnh: “Các học sinh của chúng tôi đã trao đổi với hiệu trưởng, hiệu phó, các giáo viên và trợ giảng hai nước thông qua ứng dụng Zoom để thảo luận, viết sơ yếu lý lịch trong phần mềm Microsoft 365 Note và đăng ảnh cá nhân”.

Dự án trao đổi này đang được tiến hành trên khắp ASEAN, với trọng tâm của năm 2024 là hai quốc gia Campuchia và Malaysia.

Chương trình, gồm 10 chủ đề (món ăn truyền thống, trò chơi dân gian, đồ thủ công mỹ nghệ, trang phục, âm nhạc - trình diễn, nhạc cụ, các bài dân ca, truyện cổ tích, ngôn ngữ và di tích lịch sử), với mục tiêu khuyến khích các em học sinh khám phá văn hóa các nước trong khối, từ đó tạo nên bài thuyết trình sáng tạo.

Ông Kunrath cho biết, Trường tiểu học Wat Bo cung cấp chương trình học tiêu chuẩn song song với những dự án văn hóa, việc học sinh tham gia vào dự án không gây ảnh hưởng nhiều tới quá trình học bởi phần lớn hoạt động dự án được thực hiện ngoài giờ học chính.

Nhà trường hỗ trợ chương trình giảng dạy công nghệ với 2 phòng máy tính. Phòng đầu tiên, gồm 40 máy tính và 30 iPads, giúp các học sinh học nhỏ tuổi hơn đánh máy, sử dụng các ứng dụng Microsoft Word, Excel, vẽ tranh và ThinkkThink. Phòng thứ hai, với 38 máy tính và 33 iPads, giúp các học sinh lớn tuổi hơn thực hiện nghiên cứu dự án, song song với các trò chơi tương tác như Kahoot, Quizziz và Mentimer.

Để hỗ trợ dự án trao đổi văn hóa, nhà trường tuyển thêm giáo viên công nghệ thông tin và trợ giảng, lắp đặt phòng họp. Hiệu trưởng Kunrath khẳng định, ban quản lý dự án đang phát triển chương trình tại Trường tiểu học Wat Bo trở thành mô hình kiểu mẫu, đảm bảo trình độ học sinh có thể sánh ngang bạn bè đồng trang lứa tại khu vực, đặc biệt về trình độ tiếng Anh và kỹ năng công nghệ.

Năm 2023, nhà trường nhận được sự chú ý khi 40 giáo viên của trường hoàn thành khóa đào tạo công nghệ thông tin tiên tiến do các nhà giáo dục Hàn Quốc cung cấp. Sáng kiến này do Bộ Giáo dục, thanh niên, và thể thao Campuchia khởi xướng, tập trung vào việc tích hợp AI với chương trình giảng dạy, nâng cao phương pháp giảng dạy nhằm theo kịp tiến bộ kỹ thuật số toàn cầu.

(theo Asia News Network)