📞

Cán bộ ngoại giao tại Cơ quan đại diện nước ngoài có cần xin chấp thuận?

11:00 | 03/03/2020
TGVN. Vấn đề xin chấp thuận chỉ đặt ra đối với người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, tuy nhiên vẫn có một số điều cần lưu ý đối với các cán bộ ngoại giao khác. 

Vấn đề xin chấp thuận chỉ đặt ra đối với người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao. Riêng đối với các Tùy viên quân sự, hải quân hoặc không quân, nước tiếp nhận có thể yêu cầu được thông báo trước họ và tên những người này để chấp thuận.

Đối với các thành viên khác của Cơ quan đại diện, nước bổ nhiệm được tự do cử đi, tuy nhiên nước tiếp nhận vẫn có thể tuyên bố người này hay người khác không được cấp thị thực nhập cảnh hay không được chấp nhận. Trong trường hợp này, nước tiếp nhận cũng có quyền không phải nêu lý do về các quyết định của mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nước tiếp nhận chủ động nêu công khai lý do từ chối.

Chẳng hạn, tháng 9/1981, báo chí Ấn Độ đưa tin về sự bất đồng giữa Ấn Độ và Mỹ về việc Mỹ định bổ nhiệm Griffine trước đây đã làm việc ở Pakistan làm Tham tán Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi.

Ngày 8/9/1981, phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã nói rằng Griffine đã có mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Mỹ, trong trường hợp được bổ nhiệm làm Tham tán Chính trị Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, ông ta có thể đem lại những tổn thất to lớn đối với lợi ích của Ấn Độ. Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ không đồng ý để nhà ngoại giao Mỹ này đến New Delhi.

Vậy để chuẩn bị cho việc mở Đại sứ quán ở một nước, thì đoàn tiền trạm cần chú ý những gì, nếu tổ chức khai trương thì cần thực hiện những thủ tục lễ tân gì? Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi tại mục Lễ tân ngoại giao.