📞

Cần kiến tạo những điểm đến du lịch mang bản sắc Việt

Dũng Quỳnh 08:40 | 12/12/2023
Theo các chuyên gia, cần có các sáng kiến phát triển du lịch dựa trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới.
Cần kiến tạo những điểm đến mang bản sắc Việt. (Nguồn: VNE)

Những "cái khó" của ngành Du lịch

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022 đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một số nguyên nhân dẫn tới hạn chế của ngành là do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, việc truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế. Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch đang là vấn đề nóng, cần thiết nên được quan tâm, thời gian qua đã có nhiều chính sách như mở cửa sớm, đưa ra các kế hoạch hành động chi tiết… Trong 10 tháng qua, ngành Du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách của chúng ta tăng nhanh, nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm.

Ông Vũ Thế Bình chỉ ra rằng, ngay trong dịch Covid-19 thì ngành Du lịch vẫn tồn tại, ở nhiều tỉnh vẫn hoạt động được, nhưng đến khi hết dịch thì liên kết hợp tác trong ngành Du lịch dường như biến mất, quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lãnh mạnh, lại tăng giá, hạ giá, lộn xộn.

Cáp treo Hòn Thơm ở Phú Quốc. (Nguồn: VNE)

Kiến tạo điểm đến có tính quốc tế cao

Theo các chuyên gia, thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. Vì vậy, đã đến lúc cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành Du lịch. Muốn vậy, cần có các sáng kiến phát triển du lịch dựa trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, quốc tế, làm sao để những điểm đến thực sự mang bản sắc Việt.

Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có gần 900 đô thị với 5 thành phố trực thuộc trung ương, đóng góp 70% GDP cả nước. Tại nhiều đô thị có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn nổi trội, du lịch đã thật sự trở thành động lực đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Sự phát triển du lịch tại các đô thị không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan, kết cấu hạ tầng, dịch vụ công cộng tại địa phương, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho xã hội, mà còn tạo sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cùng phát triển.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển du lịch tại các đô thị vẫn được xác định là một trong những hướng đi cần ưu tiên đẩy mạnh. PGS. TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhận định, phát triển du lịch tại các đô thị cần phải coi trọng công tác quản lý điểm đến dựa trên nguyên tắc "sức chứa" và nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm để bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững.

Ngành Du lịch cần phối hợp ngành xây dựng sớm triển khai nghiên cứu hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị du lịch - nơi du lịch đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng những thương hiệu mạnh về đô thị du lịch dựa trên tính nổi trội, tính chuyên biệt của đô thị như đô thị xanh, đô thị thông minh hay các danh hiệu đô thị như đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình. Từ đó, nâng cao mức độ nhận diện điểm đến đô thị cũng như thương hiệu sản phẩm du lịch đô thị.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch, ưu tiên thực hiện với khu trung tâm đô thị, chú trọng bảo tồn các công trình kiến trúc đô thị truyền thống ở các khu phố cổ gắn với hệ thống tiện ích công cộng, các công trình dịch vụ du lịch.

Ông Lương cũng cho rằng, phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, giúp du khách tiếp cận một cách nhanh nhất, đầy đủ thông tin về điểm đến du lịch cũng như được trải nghiệm những sản phẩm du lịch đô thị hoàn hảo nhất với sự hỗ trợ của công nghệ. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng thay thế, tiết kiệm điện nước, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải từ du lịch để giảm tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành Du lịch cần xác định và xây dựng chương trình tổng quát và rộng hơn, tầm nhìn xa hơn về phát triển du lịch bền vững, tạo ra dịch vụ du lịch có tính cạnh tranh trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố Khung phát triển du lịch bền vững hậu đại dịch Covid-19 nhằm định hướng cho chương trình phát triển du lịch của ASEAN. Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt giúp các điểm đến duy trì xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác.

Theo kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, tầm nhìn của Đông Nam Á là trở thành "điểm đến du lịch chất lượng", mang đến trải nghiệm độc đáo và đa dạng trong sự phát triển du lịch bền vững.

Trong nỗ lực tập thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn nói trên, các Bộ trưởng Bộ Du lịch ASEAN đã thông qua Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn hậu Covid-19. Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Khung phát triển du lịch bền vững của ASEAN xác định các lĩnh vực trọng tâm và tìm giải pháp tận dụng các công việc đang được ngành du lịch và các ngành liên quan khác của cộng đồng ASEAN triển khai, nhất là trong khoảng thời gian trước và sau năm 2025.