📞

Cần nỗ lực lớn để khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin

07:00 | 11/08/2016
Đó là kết luận của các đại biểu tham dự Hội thảo "Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" vừa được tổ chức từ 8-9/8 tại Hà Nội.

Hội thảo do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cùng hơn 40 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản, Czech... và đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng cường tiếng nói của cộng đồng quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn chịu hậu quả nặng nề của bom mìn và chất độc da cam. Khẳng định việc giải quyết hậu quả chất độc dioxin là vấn đề lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng: “Phải tăng cường hợp tác bằng tiếng nói của khoa học, của lương tâm, của sự thật để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc dioxin được trả lại công bằng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Hà Nội mới)

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có lương tri, đã và đang ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, cũng như nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay, góp sức khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ, vào tháng 10/2013, ông đã đến thăm Bệnh viện quốc tế Phúc Lâm ở Hà Nội. Tại đó, ông đã gặp nhiều trẻ em bị tổn thương bởi chất độc da cam. Là Chủ tịch của Hiệp hội Yuai Nhật Bản và Viện Cộng đồng Đông Á, ông đã thu xếp và trao tặng 50 xe lăn cho bệnh viện với hy vọng giúp những trẻ em vận động được, tiếp xúc được nhiều hơn với thế giới bên ngoài.

Theo cựu Thủ tướng Nhật Bản, việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, cùng với các phương tiện khác để hỗ trợ tích cực cho việc tẩy độc dioxin tại Việt Nam sẽ là một phương tiện nhân văn tuyệt vời cho sự hợp tác giữa hai nước.

Nhiều vấn đề lớn cần giải quyết

Trong hai ngày, hơn 30 báo cáo khoa học và poster thông báo kết quả nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin của các nhà khoa học có uy tín, các nhà quản lý trong nước và quốc tế đã được giới thiệu tại Hội thảo. Các đại biểu đã tập trung ở 2 nhóm chuyên đề: chuyên đề về môi trường, độc học, sinh thái và chuyên đề y tế, sức khỏe, cộng đồng.

Các nhà khoa học đều khẳng định, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết như: tiếp tục điều tra, đánh giá chính xác hậu quả, tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm ở các khu vực còn tồn lưu cao dioxin, hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ, hoàn thiện chính sách giúp đỡ, cải thiện đời sống nạn nhân chất độc da cam và cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân trong bối cảnh mới.

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần giúp đỡ  để cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. (Nguồn: VTV)

Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, giải quyết những vấn đề trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự giúp sức tích cực của quốc tế. Trước tiên, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc điều tra bổ sung để đánh giá tổng thể hiện trạng tồn lưu dioxin do Mỹ sử dụng ở các vùng bị phun rải, khu vực tập kết, lan tỏa; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái; xây dựng hệ thống quan trắc kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm và nạn nhân mới.

Ngoài ra, Việt Nam cần nhanh chóng xác định công nghệ thích hợp xử lý triệt để dioxin, điều tra số lượng người  bị phơi nhiễm, số lượng nạn nhân thuộc đối tượng trực tiếp, gián tiếp trong và sau chiếu tranh cũng như huy động mọi nguồn lực chung sức giúp đỡ nạn nhân cải thiện đời sống và hòa nhập cộng đồng.

Trong 10 năm từ năm 1961 - 1971 quân đội Mỹ đã giải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam xuống 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu héc-ta miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Suốt từ những năm 1961 đến nay, ảnh hưởng của chất độc da cam với môi trường sinh thái và sức khỏe con người luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học và sự lên án của cộng đồng quốc tế.
(tổng hợp)