Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần đề xuất giải pháp giữ gìn, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Nam Trần) |
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc sáng nay (29/11) tại Hà Nội và được kết nối trực tuyến tới Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức vào tháng 11/2021.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có gần 500 đại biểu từ ba điểm cầu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, Thường trực một số Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, truyền thông và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Đề xuất các giải pháp nhằm giữ gìn, phát triển các hệ giá trị
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây là Hội thảo rất quan trọng. Do vậy, cần đề xuất, luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết tại hội thảo, các đại biểu sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung. Cụ thể: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị.
Đặc biệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị làm rõ nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị.
Từ đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa kỳ vọng Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam. Đồng thời, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Cần phải có một nghị quyết về con người
Nhấn mạnh câu chuyện khủng hoảng hệ giá trị trong xã hội hiện nay, PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dẫn ra các ví dụ đau lòng về đạo đức, khiến xã hội phải rúng động như vụ con đổ xăng đốt mẹ vì tranh chấp đất đai, hay vụ đóng đinh vào đầu trẻ...
Ông Lương Đình Hải cho rằng: "Những hiện tượng cho thấy sự phi giá trị khủng khiếp chưa bao giờ thấy trong lịch sử".
Vì vậy, ông Hải nhấn mạnh, hơn lúc nào hết rất cần phải xác lập được nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới và đổi mới nhận thức về hệ giá trị.
Cảnh báo tình trạng đứt gãy giáo dục hệ giá trị trong gia đình bởi trẻ em hiện nay có rất ít thời gian tiếp xúc với các thành viên trong gia đình để được nhận sự giáo dục các giá trị từ gia đình. Do đó, ông Hải cho rằng cần vực dậy giáo dục trong gia đình.
Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho xã hội cũng phải chú ý đến giáo dục về các hệ giá trị. Đặc biệt, cần thiết phải có một nghị quyết về con người. GS.TS Hồ Sỹ Quý (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lưu ý khi xây dựng các hệ giá trị phải đảm bảo có thể áp dụng được cho mọi người Việt ở mọi miền, người Kinh hay người dân tộc thiểu số.
GS. TS. Quý nói: "Nếu một cộng đồng nào thấy các hệ giá trị này là chuyện của các ông, không phải chuyện của tôi thì việc của chúng ta thất bại".
Đồng thời, ông Quý cho rằng giới lý luận phải dày công hơn nữa để đóng góp vào việc xây dựng các hệ giá trị này mang tính phổ quát nhất. Và trong khi cắt nghĩa khái niệm chuẩn mực con người Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng cần cảnh báo những vấn đề xã hội đang đặt ra.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày Triển lãm sách và tài liệu với chủ đề: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. |
| Giáo dục của nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar đang đứng ở đâu? Giáo dục tiểu học hoàn toàn miễn phí ở các trường công lập trong khi nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar có hơn 300 ... |
| World Cup 2022: Ứng xử văn minh nơi công cộng - sức mạnh mềm của Nhật Bản Sau chiến thắng 2-1 của đội tuyển Nhật Bản trước tuyển Đức tại World Cup 2022, người hâm mộ thế giới ngạc nhiên trước những ... |
| "Giáo dục cần chuẩn bị cho con người đủ năng lực sống với thế giới VUCA" GS. TS. Phạm Tất Dong cho rằng, thế hệ trẻ cần nền giáo dục tạo mọi cơ hội và điều kiện để họ có thể ... |
| GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Kỳ vọng văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm "Tôi hy vọng trong những năm tới, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những ... |
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc ... |