📞

Canada 'thổi bùng' căng thẳng với Trung Quốc, Ottawa có bước đi nhanh hay đang ‘tự bắn vào chân mình’?

Linh Chi 08:27 | 29/08/2024
Canada đã "thổi bùng" căng thẳng với Trung Quốc khi công bố áp thuế 100% lên xe điện nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phía Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ. (Nguồn: Istock)

Chia sẻ bên lề cuộc họp kín của nội các tại thành phố Halifax (Canada) hôm 26/8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, quyết định của đất nước nhằm đối phó với cái mà Ottawa gọi là "tình trạng dư thừa công suất có chủ ý của Bắc Kinh".

Ông cáo buộc Trung Quốc "không chơi theo cùng một luật lệ".

Mức thuế "siêu khủng" với xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ được Canada áp dụng từ ngày 1/10.

Canada "theo chân" Mỹ và EU

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ. Giá trị xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào Canada đã tăng vọt lên 2,2 tỷ CAD (tương đương 1,6 tỷ USD) vào năm ngoái, từ mức dưới 100 triệu CAD vào năm 2022.

Số lượng xe ô tô từ Trung Quốc cập cảng Vancouver - cảng lớn nhất Canada - đã tăng vọt sau khi công ty Tesla bắt đầu vận chuyển xe Model Y từ nhà máy ở Thượng Hải đến đó.

Canada đang cố gắng định vị nước này là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.

Hiện tại, Ottawa chịu áp lực nặng nề từ ngành công nghiệp ô tô trong nước về việc phải thiết lập rào cản đối với xe điện xuất xứ Trung Quốc.

Thủ tướng Trudeau nói: "Sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và các đồng minh khác để đảm bảo khách hàng toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi hành vi phi thị trường".

Bên cạnh xe điện, Canada cũng công bố áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố việc tăng 4 lần thuế quan đối với xe điện từ Trung Quốc, lên 100%. Tuy nhiên, việc thực thi đã bị trì hoãn cho đến tháng 9.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng định áp thuế 17,4-37,6% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi nhận phản hồi từ các bên liên quan, hôm 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo "điều chỉnh thuế nhập khẩu đề xuất".

Theo đó, mức thuế sẽ áp lên xe Tesla xuất xứ Trung Quốc giảm từ 20,8% xuống 9%. Một số hãng Trung Quốc như: BYD được giảm từ 17,4% xuống 17%, Geely từ 19,9% còn 19,3% và SAIC từ 37,6% xuống 36,3%.

Các hãng xe còn lại chấp nhận hợp tác với khối 27 thành viên trong cuộc điều tra chống trợ cấp sẽ chịu mức thuế 21,3%. Hãng nào từ chối sẽ chịu thuế 36,3%, giảm so với đề xuất 37,6% trước đó.

Các biện pháp thuế quan của Canada sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xe điện Tesla từ Trung Quốc vì các thương hiệu xe điện lớn của nước này vẫn chưa thâm nhập thị trường Canada. (Nguồn: Automobile News Europe)

Trung Quốc phản ứng mạnh

Lên tiếng về quết định của Canada, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói rằng, trợ cấp xe điện của nước này không tạo ra khả năng cạnh tranh công nghiệp.

“Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc là kết quả của sự đổi mới công nghệ liên tục, chuỗi cung ứng và công nghiệp được thiết lập tốt cũng như sự cạnh tranh toàn diện trên thị trường. Đây là điều xảy ra khi lợi thế so sánh của Trung Quốc cung cấp chính xác những gì thị trường cần", ông Lâm Kiếm nhấn mạnh.

Phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada bày tỏ "sự bất mãn mạnh mẽ" trước việc Canada có kế hoạch áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tuyên bố đăng trên trang cá nhân, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada nêu rõ: "Điều này sẽ gây tổn hại cho hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước, làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như làm chậm quá trình chuyển đổi xanh của Canada".

Người phát ngôn trên cho rằng, đây là hành động bảo hộ thương mại, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tác động tiêu cực đến hình ảnh của Canada - vốn là nước đi đầu về tự do thương mại và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

"Sự phát triển nhanh chóng của ngành xe điện Trung Quốc là nhờ đổi mới công nghệ, chuỗi cung ứng và công nghiệp vững chắc, việc hoạt động dựa trên nguyên tắc cạnh tranh thị trường chứ không phải trợ cấp chính phủ. Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nói.

Trong khi đó, tờ Global Times cũng chỉ trích Canada đang “tự bắn vào chân mình” khi “tuân theo các chính sách bảo hộ của Mỹ”.

Ai thiệt hại nặng nhất?

Một số nhà bình luận cho biết, các biện pháp thuế quan của Canada sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xe điện Tesla từ Trung Quốc vì các thương hiệu xe điện lớn của nước này vẫn chưa thâm nhập thị trường Canada.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc như BYD dự định vận chuyển sản phẩm sang Canada vào năm 2025 nhưng với mức thuế quan mới, họ sẽ xem xét việc thành lập nhà máy ở Ottawa để tránh các mức thuế mới.

Theo tờ Automotive News, Tesla đã bán được 36.900 chiếc xe điện ở Canada vào năm ngoái, so với 24.400 chiếc vào năm 2022. Công ty có Giám đốc điều hành là doanh nhân Elon Musk, hiện đang cung cấp tới Canada những chiếc xe điện được sản xuất tại Thượng Hải. Để tránh được mức thuế mới, hãng xe này có thể chuyển đổi cung cấp hàng tới Canada từ các nhà máy ở Đức hoặc Mỹ.

Phó Giáo sư Liu Chunsheng tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương có trụ sở tại Bắc Kinh nhận thấy, thuế xe điện của Canada sẽ không gây tổn hại trực tiếp cho các công ty Trung Quốc nhưng có thể buộc Tesla phải giảm sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông nêu rõ: “Các điểm đến chính của xe điện Trung Quốc không phải là Mỹ hay Canada mà là Đông Nam Á, Đông Âu. Vì vậy, thuế quan của Canada sẽ không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ hiện đang khuyến khích các đồng minh giảm hoặc chặn việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc.

Do đó, quyết định Ottawa có thể khiến Tesla phải giảm sản lượng tại Bắc Kinh".

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, mối quan tâm chính của Canada không phải là Tesla, mà là viễn cảnh những chiếc xe giá rẻ do các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sản xuất có mặt tại đất nước. Đơn cử như kế hoạch của BYD nói trên. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bước đi nhanh, chặn đứng hành động đang mạnh nha từ phía Trung Quốc.

(theo Asia Times, CNBC)