Các nhà khoa học cảnh báo phụ nữ mang thai không nên uống quá nhiều cà phê. (Nguồn: Getty Images) |
Đó là một thức uống mà nhiều người dựa vào để bắt đầu ngày mới, nhưng một nghiên cứu mới đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc uống quá nhiều cà phê trong thai kỳ.
Trong nghiên cứu, những con chuột mang thai được cung cấp caffeine thường sinh con có trọng lượng sơ sinh thấp hơn, sự thay đổi tăng trưởng và mức độ hormone và suy giảm sự phát triển của gan.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra các nghiên cứu trước đây cho thấy, lượng caffeine sử dụng trước khi sinh từ 300 mg/ngày trở lên ở phụ nữ, khoảng 2 - 3 tách cà phê, có thể dẫn đến cân nặng khi sinh thấp hơn.
Các nghiên cứu trên động vật đã đề xuất thêm việc tiêu thụ caffeine trước khi sinh có thể có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển của gan và sự nhạy cảm với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, mối liên hệ cơ bản giữa phơi nhiễm caffeine trước khi sinh và sự phát triển của gan bị suy giảm vẫn chưa được hiểu rõ.
Giáo sư Hui Wang và các đồng nghiệp tại Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, đã điều tra tác động của liều thấp, tương đương với 2 đến 3 tách cà phê và liều cao, tương đương từ 6 - 9 tách cà phê.
Họ phát hiện ra những đứa trẻ tiếp xúc với caffeine trước khi sinh có nồng độ hormone gan thấp hơn, yếu tố tăng trưởng như insulin (IGF-1) và nồng độ hormone căng thẳng, corticosteroid khi sinh cao hơn.
Tiến sĩ Yinxian Wen, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng, sử dụng nhiều caffeine trước khi sinh gây ra sự dư thừa hoạt động của hormone gây căng thẳng ở người mẹ, gây ức chế hoạt động IGF-1 cho sự phát triển của gan trước khi sinh. Tuy nhiên, các cơ chế bù trừ xảy ra sau khi sinh để tăng tốc độ tăng trưởng và phục hồi chức năng gan bình thường, khi hoạt động của IGF-1 tăng lên và tín hiệu hormone căng thẳng giảm. Tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ do tiếp xúc với caffeine trước khi sinh rất có thể là hậu quả của hoạt động IGF-1 sau sinh được bù đắp, tăng cường".