Một điều gây ngạc nhiên là trong khi giới kinh doanh đang than trời vì suy thoái kinh tế làm ảm đạm bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, thì trong báo cáo hôm 11/5 của Cảng Sài Gòn gửi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đơn vị này lý giải nguyên nhân kẹt là do lượng hàng hóa qua các cảng của khu vực TP.HCM đã tăng đột biến từ đầu năm nay. Phân trần xong xuôi, Cảng Sài Gòn quay qua khuyên nhủ doanh nghiệp nên… chủ động tìm cảng khác mà vào!
Phân trần vậy nhưng Cảng Sài Gòn không hẳn đã chịu thiệt khi tàu tắc, hàng ứ. Ngay từ đợt nghẽn cảng hồi năm ngoái, cảng này đã tính thêm “phí kẹt tàu” (PSC) cho các chủ tàu, để chủ tàu bất đắc dĩ quay qua thu lại phí này từ khách hàng của họ. Ví dụ mức phí tính theo ngày là 50 USD/container 20 feet, 100 USD/container 40 feet, 5.000 USD/tàu trên 20.000 tấn…
Cuối cùng thì thiệt hại vẫn nhằm vào doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Và gánh nặng cảng biển không chỉ đánh trúng hầu bao của các doanh nghiệp này, mà còn tác động tiêu cực tới uy tín và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Bởi vì ngay từ giữa năm 2006, khi giới kinh doanh đang nóng lòng đợi chờ những tin tức cuối cùng về thời khắc Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chủ hãng vận tải biển và nhà đầu tư nước ngoài đã cảnh báo việc gia nhập này sẽ càng làm cho hệ thống cảng biển khu vực TP.HCM bị quá tải. Ngay từ hồi đó, người ta đã nói tới sự bất ổn khi quy hoạch cảng biển được xây dựng thiếu một cái nhìn từ cấp độ quốc gia. Trong khi các cảng biển ở miền Trung được quy hoạch dày đặc, từ Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La đến Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô... thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm tới hơn 70% thị trường vận tải biển bằng container của cả nước lại ở trong tình trạng đìu hiu ngược lại.
Sự “không ổn” còn thể hiện ở cả quy mô của các cảng biển, khi mà tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam không có cảng tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn, và các chủ tàu buộc phải xếp dỡ hàng hóa cả xuất và nhập khẩu làm 2 lần, trung chuyển qua một nước thứ ba, ví dụ Singapore, nơi cập được tàu lớn.
Và mảng tối của bức tranh cảng biển Việt Nam cũng hiện rõ ở những quy hoạch thiếu đồng bộ có cảng mà không có đường, có đường rồi lại thiếu điện, nước...
Theo dự báo, đến năm 2010 sẽ có khoảng 200 triệu tấn hàng hóa đi qua các cảng biển của Việt Nam. Một con số đẹp, nếu tính trên số lượng. Nhưng cũng sẽ là mối lo lớn, nếu năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam không được quy hoạch tốt để đáp ứng nhu cầu giao thương đó.
Hằng Nguyễn