Đường phố ở thủ đô Kuala Lumpur vắng vẻ trong những ngày phong tỏa. (Nguồn: Straits Times) |
Vật lộn với làn sóng dịch bệnh
Kể từ ngày 1/6, Malaysia chính thức phong toả toàn quốc trong 2 tuần. Đây là lần thứ hai quốc gia Hồi giáo này phong tỏa toàn quốc nhằm đẩy lùi làn sóng Covid-19 thứ 3 đang hoành hành dữ dội.
Ông Seow Jun Ze, Giám đốc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Qingli Sdn Bhd tại Malaysia cho biết, công ty đã cắt giảm dây chuyền sản xuất từ hơn 18 dòng sản phẩm xuống còn 10 dòng sản phẩm và quyết định tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao.
“Chúng tôi đã giảm ít nhất 38 đến 40% so với quy mô sản xuất thông thường. Ngay cả đối với 10 dòng sản phẩm, thời gian giao hàng cần thiết cho các đơn đặt hàng hiện nay cũng kéo dài lâu hơn rất nhiều”, ông nói.
Tin liên quan |
NÓNG! Malaysia phong tỏa toàn quốc vì Covid-19 |
Doanh nghiệp của Seow Jun Ze là một trong rất nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 mới ở Malaysia khi rất nhiều nhà sản xuất và các chủ lao động phải đối mặt với tình trạng sản xuất sụt giảm nghiêm trọng do các quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc.
Việc phong tỏa toàn quốc đã được Văn phòng chính phủ Malaysia công bố vào ngày 28/5 do số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này gia tăng đột biến. Ngày 3/6 vừa qua, Malaysia đã ghi nhận 9.020 ca nhiễm mới. Đây cũng là số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Malaysia
Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất giới hạn chỉ 60% lực lượng lao động tham gia quy trình vận hành, hoạt động trong thời gian phong tỏa.
Để tuân thủ giới hạn nhân lực hoạt động, Asia Brands Berhad, một nhà sản xuất hàng may mặc phải luân phiên ca làm việc của công nhân để đảm bảo tất cả mọi người đều có mặt tại dây chuyền.
Chủ tịch Tập đoàn, ông Tan Thian Poh cho biết doanh nghiệp này đã phải cho những người trong bộ phận hành chính làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt.
Ông Tan, người hiện là Chủ tịch Liên đoàn Thời trang, Dệt may Malaysia (FMFTA), cho hay: “Giới hạn nhân lực đã cắt giảm sản lượng sản xuất của chúng tôi, đặc biệt khi chúng tôi luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong hơn hai năm trở lại đây khi chính phủ cắt giảm lượng lao động nước ngoài.
Các đơn vị bán lẻ và thời trang tiêu dùng hiện không hoạt động theo đơn đặt hàng của chính phủ, nhưng chúng tôi vẫn đang sản xuất vải không dệt, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và khẩu trang bằng vải”, ông nói thêm.
Tuân thủ quy định phòng dịch
Trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, các nhà sản xuất thống nhất với chính phủ về việc hạn chế lực lượng lao động tham gia quá trình sản xuất là cần thiết.
"Tôi nghĩ rằng các nhà sản xuất đều hiểu và sẵn sàng chung tay ngăn chặn con số lây nhiễm càng nhiều càng tốt. Tình hình vẫn sẽ ổn nếu trong ngắn hạn, nhà sản xuất trả lương đầy đủ dù công nhân có thể chỉ làm việc một nửa thời gian bình thường", ông Tan Chủ tịch FMFTA nói.
Tuy nhiên, nếu lệnh phong toả kéo dài hơn nữa, theo ông Tan, các chủ doanh nghiệp sẽ phải ưu tiên sự sống còn của công ty. Một số người có thể áp dụng sa thải bớt một số nhân viên.
Ông Shamsuddin Bahardin, Thư ký Hội đồng của Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia (MEF) cho biết, ước tính khoảng 30% thành viên của Liên đoàn được phép hoạt động trong hai tuần bị phong toả.
Liên đoàn này đã phổ biến các SOP (Standard Operating Procedure - Quy trình hoạt động chuẩn) của chính phủ cho các thành viên của mình kèm theo lời khuyên nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch.
“Chúng tôi đã cảnh báo các công ty thành viên rằng việc không tuân thủ các SOP sẽ dẫn đến các lệnh ngừng sản xuất và các hình phạt nghiêm khắc", ông Bahardin nói.
Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai cho biết: “Các nhà tuyển dụng phải tiến hành kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt đối với nhân viên của mình trước khi họ vào nhà máy để làm việc hằng ngày, bao gồm cả việc kiểm tra tình trạng thông qua ứng dụng theo dõi MySejahtera".
Nhiều doanh nghiệp tại Malaysia đã phải thu hẹp sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao. (Nguồn: Reuters) |
Các công ty thành viên của Liên đoàn đã kêu gọi chính phủ Malaysia hỗ trợ cho các công ty không được phép hoạt động trong thời gian đóng cửa. Hỗ trợ được đề xuất bao gồm việc tạm hoãn thanh toán đối với các khoản vay kinh doanh. Cùng với đó là yêu cầu hỗ trợ đối với mặt hàng điện và khí đốt trong thời gian doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Ông Shamsuddin liệt kê các khoản trợ cấp tiền lương, cấp tín dụng có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) và tạm hoãn các hình phạt đối với các cơ quan chính phủ khác nhau như một trong những biện pháp giúp giảm bớt một số áp lực cho người sử dụng lao động.
Cơ hội cho nền sản xuất mới
Dù ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và các ngành sản xuất nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng đại dịch Covid-19 cũng sẽ mở ra "cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng" cho cả khu vực tư nhân và chính phủ.
"Đại dịch sẽ khiến nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài không có tay nghề và chuyển sang sản xuất dựa trên tri thức, công nghệ và giá trị cao hơn", nhà kinh tế Yeah Kim của Đại học Sunway cho biết.
Tin liên quan |
Tiêm phòng vaccine Covid-19: 'Trùm cuối' trong chính trường Malaysia |
Ông Yeah Kim cho rằng, trong khi Covid-19 là yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất áp dụng các công nghệ tiết kiệm lao động thì chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu này với những 'củ cà rốt' lớn hơn như tài chính chi phí thấp, hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển (R&D) và áp dụng công nghệ mới.
Một nhà sản xuất trong ngành dệt may cho hay, lợi ích của tự động hóa là không thể phủ nhận: “Tự động hóa là tương lai, nhưng nó cần một giải pháp toàn diện", ông chia sẻ.
Ông cho biết, công ty của mình đã bắt đầu chuyển đổi sang quy trình sản xuất tự động, nhưng thời gian và tài chính là những yếu tố cản trở những công ty có quy mô nhỏ hơn. Chi phí bỏ ra để mua các máy móc mới, tiên tiến hơn là điều khá nan giải đối với các nhà sản xuất và các công ty không có tiềm lực về tài chính.
Để giúp khắc phục vấn đề này, ông đề nghị chính phủ Malaysia nên có một quỹ nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tự động hóa quy trình. “Chúng ta đã nói về tự động hóa trong gần một thập niên, nhưng điều còn thiếu vẫn là ý chí", ông Yeah Kim nói.