Tối 11/5, quân đội Israel và phong trào Hamas tiếp tục ăn miếng trả miếng với hàng loạt đợt tấn công tên lửa, khiến quan hệ Israel-Palestine bước vào đối đầu căng thẳng nhất kể từ năm 2019.
Viết trên Telegram, Hamas tuyên bố: “Để thực hiện cam kết, lữ đoàn Al-Qassam đã phóng 130 quả tên lửa vào Tel Aviv và khu vực lân cận, đáp trả việc kẻ thù tấn công các tòa nhà dân sự cao tầng”.
Hiện chưa có thông tin về thương vong.
Trước đó, Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố, phong trào Hồi giáo này “sẵn sàng” đáp trả nếu Israel leo thang bạo lực, nhưng nếu Israel muốn dừng, phong trào này cũng sẽ “chiều ý”.
Bầu trời rực đỏ vì khói và ánh sáng tên lửa tại Ashkelon, Israel ngày 11/5. (Nguồn: Reuters) |
Đáp lại, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Tướng Hidai Zilberman cho biết IDF đã thực hiện đợt tấn công tên lửa lớn, bắn trúng 150 mục tiêu, một trong số đó khiến người đứng đầu đơn vị chống tăng của Hamas ở Gaza thiệt mạng. Hiện Palestine vẫn chưa xác nhận.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo ở Gaza sẽ “phải trả giá bằng máu”. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz khẳng định chiến dịch chỉ mới bắt đầu và cam kết tiếp tục để người dân “trở lại hòa bình và yên ổn thời gian dài”.
Bộ này đã phê duyệt triển khai 5.000 quân dự bị và để ngỏ khả năng tiến hành chiến dịch trên bộ.
Về phản ứng quốc tế, ngày 11/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cảnh báo, tình trạng bạo lực nghiêm trọng giữa Israel-Palestine đang leo thang thành chiến tranh toàn diện và lãnh đạo các bên cần đẩy lùi tình trạng này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng dự kiến sẽ họp riêng vào ngày 12/5 (giờ địa phương) thảo luận về xung đột trên.
Các tổ chức Hồi giáo như Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và một số quốc gia như Jordan, Iran chỉ trích Israel đã khiến bạo lực leo thang.
Điện đàm riêng rẽ với Quốc vương Qatar và Quốc vương Malaysia về tình hình Israel-Palestine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định cần hợp tác chặt chẽ và vận động quốc tế chống lại hành vi của Israel.
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Israel, Palestine và cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, đồng thời mạnh mẽ lên án các vụ tấn công vào dân thường với bất kể quốc tịch, tôn giáo nào.
Trong khi đó, Mỹ, đồng minh thân thiết của Israel, đã lên án cuộc tấn công tên lửa mà Hamas và lực lượng vũ trang Palestine khác đang thực hiện, khẳng định quốc gia Do Thái có quyền tự vệ chính đáng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi hai bên tránh gây ra cái chết “đáng tiếc” cho dân thường sau các cuộc không kích.
Bình luận về phản ứng của Mỹ, The Guardian cho rằng có lẽ chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa sẵn sàng tìm kiếm giải pháp cho xung đột Israel-Palestine.
Ví dụ đơn giản nhất là câu chuyện Đại sứ: Trong khi Washington đã bổ nhiệm nhiều trưởng cơ quan đại diện mới tại quốc gia đồng minh, đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương, đề cử Đại sứ Mỹ tại Israel vẫn là ẩn số.
Điều này khiến kết nối, giao thiệp, truyền tải thông điệp hay tham gia đối thoại, hòa giải khó khăn hơn.
Trong các bài phát biểu về đối ngoại đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden từng cam kết sẽ đưa Mỹ “trở lại” trường quốc tế. Tuy nhiên, sự “trở lại” có lẽ vẫn chưa tới dải Gaza.
Ngoài ra, có thể thấy hệ lụy lớn nhất từ Hiệp ước Abraham của cựu Tổng thống Donald Trump là khiến các quốc gia Arab Hồi giáo mất lòng tin vào Mỹ và vai trò trung gian hòa giải của nước này.
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền của ông Joe Biden đã khôi phục ngân sách hỗ trợ, nối lại giao thiệp ngoại giao với phía Palestine, song bài toán khó như Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem còn đó. Cách tiếp cận thận trọng tới mức bị động của Washington dường như chưa hiệu quả.
Trong các bài phát biểu về đối ngoại đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden từng cam kết đưa Mỹ “trở lại” trường quốc tế. Tuy nhiên, sự “trở lại” đó có lẽ vẫn chưa tới dải Gaza. |
Trong bối cảnh đó, nhà vận động người Mỹ gốc Do Thái J Street nhận định rằng đã đến lúc Washington chủ động tiếp cận các bên liên quân, kêu gọi ngừng bắn tức thời, tiến tới giảm căng thẳng.
Nếu thành công, nó sẽ là minh chứng rõ nét nhất với cộng đồng quốc tế rằng phương châm lấy ngoại giao làm trung tâm của chính quyền ông Joe Biden không phải là lời nói suông.